Tháng Giêng... không trẩy hội và những cảnh tượng “nghìn năm có một”

Tháng Giêng... không trẩy hội và những cảnh tượng “nghìn năm có một”

Quạnh quẽ đền Sóc

Tôi có mặt tại đền Sóc (Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội) sau lễ khai hội Gióng 2020 vài ngày. Từ quốc lộ 3 đến cổng đền chỉ khoảng 3km nhưng phải mất đến 15 phút đi bộ tôi mới bắt gặp người xe ôm đầu tiên đang đón khách, tuyệt nhiên không có bóng dáng taxi nào.

Vừa đi, anh Đào Tuấn – một người dân địa phương vừa tâm sự: “Chưa năm nào khách đến đền Sóc lại thưa vắng như năm nay. Thu nhập từ quán ăn phục vụ khách du lịch của gia đình giảm nhiều so với mọi năm. Tôi phải chịu khó chạy vài chuyến xe ôm để kiếm thêm”.

Hội Gióng năm nay vừa khai mạc được một hai hôm thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công điện tạm dừng tất cả các lễ hội trên toàn quốc trước tình hình bệnh dịch nCoV. Không còn hình ảnh “đông như trẩy hội”, đền Sóc nay vắng vẻ người qua. Các du khách đến đây chủ yếu đi theo từng nhóm nhỏ.

Trong không gian thanh vắng thoảng nhẹ hương trầm, mọi người nhàn nhã tản bộ, chụp hình – một khung cảnh hiếm thấy ở đền chùa nói chung trong mùa cao điểm lễ hội. Một trong số đó là nhóm bạn trẻ đến từ Hà Đông, Hà Nội.

Được biết, trước khi đến đây mọi người đã dặn nhau chuẩn bị nước rửa tay khô và thay khẩu trang liên tục lúc di chuyển đến từng khu vực.

Thời tiết mưa lạnh suốt một ngày dài khiến cho khung cảnh xung quanh càng thêm vài phần ảm đạm. Vào khu vực đền Hạ, tôi nhận được sự đón tiếp nồng hậu của ông Nguyễn Viết Cương – Phó Trưởng phòng Bảo tồn Trung tâm quản lý khu di tích đền Sóc trong bộ trang phục áo the khăn xếp truyền thống. Vì không có nhiều du khách nên ông Cương có khá nhiều thời gian để trò chuyện, cũng như làm thêm nhiệm vụ của một “hướng dẫn viên du lịch”.

Lạ thường... Tam Chúc

Dẫu biết lễ khai hội chùa Tam Chúc (Hà Nam) năm 2020 đã tạm dừng, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước sự vắng vẻ của nơi đây trong ngày chính hội 12 tháng Giêng. Nhất là khi chỉ cách đấy vài ngày, người ta vẫn còn chứng kiến cảnh tượng quá tải, chen lấn của người dân thập phương đổ về chùa du xuân.

Bước vào cổng chùa, trước mắt tôi là những chiếc xe điện lẻ loi đợi khách trong tiết trời mưa giá. Ngay cả những bác lái xe cũng hóm hỉnh đùa rằng, việc một – hai khách đi trên một xe điện như tôi và anh Lê Văn Tài – người bán hàng trong khuôn viên chùa Tam Chúc là cảnh tượng “nghìn năm có một”. “Bình thường nếu đúng vào ngày khai hội sẽ có rất đông phật tử đến chùa.

Có những lúc lượng đồ ăn bán ra không kịp phục vụ du khách và người dân. Cũng “may” vì ế khách nên hôm nay tôi mới được đi dạo xung quanh thế này” – anh Lê Văn Tài vừa góp thêm câu chuyện, vừa vẫy tay chào một chiếc xe điện lác đác vài khách ngược chiều.

Trên đường tiến vào điện Tam Thế, có thể dễ thấy nhất là hình ảnh người dân che ô và bịt khẩu trang kín mít ở mọi lứa tuổi. Việc khách du lịch vừa đeo khẩu trang vừa chụp ảnh giờ đây không còn là điều hiếm gặp. “Thời điểm dịch bệnh, chẳng riêng gì tôi mà hầu hết du khách đều bịt khẩu trang... chụp ảnh” - Đến vãn cảnh chùa Tam Chúc, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (Ninh Bình) nói.

Khá nhiều du khách phương xa có bày tỏ chút tiếc nuối với việc lễ khai hội chùa Tam Chúc năm nay bị hoãn lại để rồi sẵn lòng đồng tình vì đây là điều cần làm trong thời điểm hiện nay. “Dẫu phải tạm hoãn khai hội, song nhà chùa vẫn mở cửa đón các phật tử đến lễ Phật, chiêm bái để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Nhà chùa đã phát khẩu trang miễn phí và khuyến khích du khách sát trùng tay trước khi vào lễ Phật” – chị Nguyễn Thị Thu Hà phụ trách truyền thông chùa Tam Chúc cho hay

Quan họ không... giao duyên

Đến chùa Lim vào ngày chính hội năm nay không còn thấy hình ảnh người dân đông đúc trẩy hội mà chỉ lác đác bóng người lễ chùa, vãn cảnh.

Hầu hết các du khách đến với chùa Lim đều bày tỏ chút nhớ nhung khi không được thưởng thức những liền anh, liền chị quan họ giao duyên để thấy lòng thật thanh tịnh khi được ngắm cảnh chùa yên tĩnh giữa ngày hội.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân địa phương đang chấp tác tại chùa chia sẻ: “Hàng năm có khoảng 20 - 30 sinh viên thành tâm về đây giúp nhà chùa đưa đón, hướng dẫn du khách thập phương. Năm nay không có hội nên sinh viên không về, các vãi trực chùa cũng thấy buồn hơn mọi năm”.

Cách chùa Lim không xa là đền Bà Chúa Kho nằm ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Vì hiện đang có dịch cúm nên từ mùng 9 tháng Giêng lượng người đến đền đã bắt đầu thưa dần.

Có thể thấy, ở đây đã không còn tình trạng kẹt xe từ đường lớn và người dân đứng kín sân đền như mọi năm. Ngay từ cổng chào, Ban Quản lý đã cho lắp biển và băng rôn thông báo về việc dừng tổ chức lễ hội cũng như khuyến cáo tình hình dịch bệnh đến người dân.

Đại diện Ban Quản lý đền Bà Chúa Kho cho biết: Lượng du khách về lễ tại đền chỉ bằng khoảng 2 đến 3 phần so với mọi năm.

“Đúng là có bâng khuâng khi tháng Giêng không thể trẩy hội, thế nhưng, giữa lúc dịch nCoV hoành hành thì sức khỏe và tính mạng của cộng đồng phải được đặt lên trên hết. Thật mừng khi hầu hết người dân, du khách thập phương đến vãng cảnh chùa, lễ Phật đều tự ý thức được việc đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh” - Ông Nguyễn Viết Cương, Phó Trưởng phòng Bảo tồn Trung tâm quản lý khu di tích đền Sóc (Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.