Tháng Bảy về Ngã ba Đồng Lộc

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi hành trình về Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nơi đây có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, gắn với sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc tại Đồng Lộc
Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc tại Đồng Lộc

Mảnh đất cày lên… bom đạn

Đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, một không gian rộng lớn được thiết kế các hạng mục di tích hòa vào những đồi thông bạt ngàn. Ít ai có thể hình dung được, chính vị trí này, cách đây hơn 51 năm là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên tuyến đường huyết mạch 1A. Nơi ngã ba này từng được coi là “yết hầu”, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam ruột thịt.

Dừng chân tại căn phòng đón khách của khu di tích, chúng tôi được lắng nghe cán bộ hướng dẫn viên của Di tích Ngã ba Đồng Lộc vừa kể, vừa thuyết minh về vùng đất Đồng Lộc, sự hiểm nguy, gian khổ của chiến sỹ, thanh niên xung phong và đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Với chất giọng miền Trung hòa vào cảm xúc trào dâng khi kể về Đồng Lộc, hướng dẫn viên đã đưa chúng tôi trở về với không khí cam go, khét lẹt đạn bom của Ngã ba Đồng cách đây 50 năm.

Nơi yên nghỉ của 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc
Nơi yên nghỉ của 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc 

Trong khoảng thời gian từ năm 1964 - 1972, vùng đất Đồng Lộc là nơi đế quốc Mỹ dải hàng ngàn quả bom, cày xới từng tấc đất, chôn vùi sự sống và hủy hoại màu xanh của cuộc sống nơi đây. Ngã ba đau thương này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom chỉ trong vòng 6 tháng năm 1968, trung bình mỗi ngày, vùng đất này phải gánh chịu 3 quả bom. Con số đó đủ nói lên sự ác liệt, sự hiểm nguy và sự hiện diện của cái ác đã khiến cho từng tấc đất, từng ngôi nhà, từng ngọn cỏ bị lật tung. Nghe kể đến đây, chúng tôi nhớ lại những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi viết về Đồng Lộc: “Bom nổ chậm vãi đen trời Đồng Lộc/ Chui xuống đất sâu mang cái chết nằm rình” (Con đường của những vì sao).

Trong những ngày tháng cam go ấy, dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, tất cả các lực lượng đã tình nguyện bước vào cuộc chiến để bảo vệ con đường huyết mạch của Tổ quốc. Họ là bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân quân và cả người dân của Đồng Lộc. Cứ sau khi loạt bom đạn của kẻ thù dội xuống Đồng Lộc, những cô thanh niên xung phong lại lao vào màn khói đen và khét lẹt để dò mìn, dò bom chưa nổ, dò hố bom sâu để cắm tiêu và nhanh chóng lấp hố để cho những chuyến xe được thông tuyến. Có thể nói, những thanh niên xung, những công nhân, những chiến sỹ ngày ấy ở Đồng Lộc họ sống, chiến đấu bằng cả tinh thần tự nguyện, ý chí, nghị lực và hơn cả là lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước đã thôi thúc họ không sợ cái chết và sự hiểm nguy, dẫu biết rằng, phía trên cao, kẻ thù vẫn đang không ngừng reo rắc tội ác và chết chóc. Nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong “Trường Ca Sức bền của đất”: “Ở giữa anh và em là cái gì cao hơn sự chết/ Hơn cả sự sống hai ta là sự sống giống nòi”.

Chuyện về 10 cô thanh niên xung phong

Cán bộ khu di tích kể về Ngã ba Đồng Lộc cách đây 51 năm
Cán bộ khu di tích kể về Ngã ba Đồng Lộc cách đây 51 năm 

Giọng kể của cán bộ hướng dẫn viên khu di tích như trùng xuống để dâng lên niềm xúc động trong lòng người nghe khi kể về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc. Các chị thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Đến trưa ngày 24/7/1968, như thường ngày, 10 chị ra đường, đội bom đạn làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ cùng ngày, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Các chị còn trẻ lắm, người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh nghèo khó mà kiên cường, các chị đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho cung đường huyết mạch nơi Ngã ba Đồng Lộc. Có hy sinh nào cao cả hơn khi cả mười chị hòa mình vào đất Mẹ để cho những chuyến xe tiến về nơi tiền tuyến miền Nam. Những cái tên, những hình ảnh của các chị như reo vào lòng mỗi người niềm cảm phục và biết ơn sâu sắc. Đó là chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Nhỏ, Trần Thị Hường, Võ Thị Hà, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Dương Thị Xuân, Hà Thị Xanh. Những hình ảnh ấy được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cảm nhận trong những vần thơ xanh: “Những cô gái mở đường, rất trẻ/ Với La, là đồng chí/ Với La, là em, là chị/ Là Tần, là Cúc, là Xanh.../ Những cái tên hiền lành” (Con đường của những vì sao).

Những vần thơ trong bài thơ Cúc ơi (tác giả Yến Thanh), Hà ơi (tác giả Bùi Quang Thanh) nghe như có cái gì đó đau nhói trong tim, như nhen lên niềm cảm phục đối với sự hy sinh của các chị: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ mặt…/ Chỉ thiếu mình em…”. Lời thơ như sự mong đợi, như tiếng gọi thân thương đồng đội trở về, như tiếng khóc, như gọi từ sâu thẳm trái tim. Và đó còn như lời thủ thỉ tâm tình với hương hồn của các chị: “Hãy yên lòng bên các chị, ngủ đi/ Đừng sợ tiếng quạ kêu/ Đừng sợ bom lại nổ/ Màu hoa đỏ cành bông trang bên mộ/ Nhắc anh không quên được một thời/ Ngã ba này, những mất mát - Hà ơi!”.

Thay lời tri ân

Trong quần thể Di tích Ngã ba Đồng Lộc có nhiều hạng mục, mỗi điểm dừng chân là một nơi tưởng niệm thiêng liêng về những con người đã từng xả thân, hy sinh máu xương cho sự bình yên của vùng đất này. Đó là Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc; Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Đồng Lộc; Biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải và nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của ngành; Khu mộ mười nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Đồng Lộc; Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc; Đồi La Thị Tám... Năm 1989, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích Ngã ba Đồng Lộc là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Về thăm Ngã ba Đồng Lộc những ngày hè miền Trung oi ả, tiếng chuông ngân vang phả vào màu xanh của những đồi thông bạt ngàn, khói hương trầm thơm ngát hòa vào sắc trắng của hoa huệ như lắng đọng trong tâm hồn mỗi người, để lắng nghe được tiếng vọng về của thế hệ cha anh, của những nữ thanh niên xung phong từ ngàn xưa. Bầu trời Đồng Lộc hôm nay trong xanh, những cánh đồng lúa ngô bát ngát, con đường nhựa thênh thang rộng mở, cuộc sống hôm nay đã hồi sinh, đang ngời lên sắc mới. Thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình luôn hướng về Đồng Lộc như một “địa chỉ đỏ” để tri ân, biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh máu xương, tuổi thanh xuân cho dân tộc, để hiểu được giá trị của độc lập, tự do, để rèn luyện ý chí và nghị lực sống. Như điều nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết trong “Trường ca Đồng Lộc”: “Xin đừng quên thuở Đồng Lộc trụi trần/ Đất nhận máu bao người con ngã xuống”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...