Tháng Bảy và những vần thơ tri ân

GD&TĐ - Bài viết nhỏ này xin được điểm lại một số vần thơ xúc động thay cho nén tâm hương tri ân sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ...

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: ITN
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: ITN

1.

Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh cùng với đó là đau thương mất mát, hy sinh của những người lính, thanh niên xung phong... cũng như biết bao người dân nước Việt.

Trải dài khắp mọi miền quê là những nghĩa trang với hàng hàng ngôi mộ của các anh hùng liệt sỹ có tên tuổi cũng như chưa xác định được thông tin và còn biết bao những hài cốt nằm lại khắp mọi miền Tổ quốc mà chưa thể quy tập hết.

Đến với mỗi nghĩa trang trong ta đều dâng trào xúc động. Nào Vị Xuyên, Pò Hèn, Điện Biên nơi địa đầu Tổ quốc đến Truông Bồn, Đồng Lộc, Đường 9, Trường Sơn nơi nắng lửa miền Trung và Thủ Đức, Củ Chi nơi đất thép thành đồng...

Đã có bao nhà thơ, bao bài thơ xúc động viết về những sự hy sinh lớn lao ấy. Nhân tháng Bảy về cùng dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), bài viết nhỏ này xin được điểm lại một số vần thơ trong muôn vàn bài thơ xúc động ấy thay cho nén tâm hương tri ân sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ.

2.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu - một trong những gương mặt thơ tiêu biểu trưởng thành trong khói lửa đạn bom thời kỳ chống Mỹ.

Ông nhập ngũ năm 1966 và có mặt ở chiến trường trong những ngày ác liệt ấy. Nhắc đến những đau thương, mất mát trong chiến tranh không thể không kể đến bài thơ Bảy vầng trăng khuyết của ông. Bài thơ được sáng tác năm 1969 tại rừng Trường Sơn, khi nói về sự hy sinh của những nữ thanh niên xung phong ta thường hay nghĩ tới những hi sinh ở Đồng Lộc, Truông Bồn, hang Tám Cô… nhưng còn biết bao sự hy sinh thầm lặng, vô danh nơi chiến trường.

Bài thơ Bảy vầng trăng khuyết được triển khai từ sự hy sinh của bảy nữ thanh niên xung phong và đặt những giả thiết về bảy chàng trai, bảy người yêu của các cô để từ đó gợi nên những nhói đau nơi lòng người đọc.

Binh trạm Trường Sơn năm Sáu chín

Có bảy người con gái trúng bom

Đám tang họ không ai đưa tiễn

Giữa rừng chiều ngổn ngang núi non

Những khuôn mặt lấm lem không bàn tay vuốt mắt

Bảy chàng trai của các cô đâu?

Bảy chàng trai năm chiến tranh khốc liệt

Sao biết được người yêu mình đã chết?

Họ hy sinh khi còn rất trẻ, không kịp trối trăng gì, không có người vuốt mắt, không người thân đưa tiễn và tất nhiên những hố bom hóa nấm mồ chung. Nếu không có chiến tranh bảy cô gái ấy cùng bảy chàng trai nào đó đã thành đôi thành lứa hạnh phúc như bao người.

Đám tang vắng bảy chàng trai ấy

Vắng trắng hoa rừng, vắng nước mắt ngày ngâu

Bảy cuộc chiến tranh, bảy vầng trăng khuyết

Một nấm mồ chìm khuất giữa rừng sâu ...

3.

Tôi đọc bài thơ Tìm chồng của Đặng Khánh Cường vào khoảng năm 2010, khi bài thơ được đăng trên trang Lucbat.com, sau này nhà thơ Bùi Hoàng Tám có giới thiệu bài thơ trên báo Dân trí. Quả thực mỗi lần đọc lại bài thơ Tìm chồng tôi không khỏi ngậm ngùi, se sắt về những nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau vẫn còn nguyên đó, Đặng Khánh Cường đã thể hiện điều đó qua những câu thơ lục bát giản dị mà đầy xúc động.

Bài thơ được cấu tứ từ một tình huống, một hoàn cảnh đặc biệt éo le: Người vợ đi tìm mộ chồng sau chiến tranh. Văn học Việt Nam đã có nhiều tác phẩm viết về sự mất mát trong chiến tranh nhưng dường như mỗi tác phẩm lại có cách khai thác khác nhau, viết về việc tìm chồng - người chồng đã hy sinh, cuộc tìm kiếm kéo dài đã mấy chục năm nhưng dường như vẫn trong vô vọng: Trải qua bốn chục mùa Đông/Tay cào nát cỏ mà không thấy người.

Người chồng của chị từng tham gia trận đánh ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị vào Mùa Hè đỏ lửa với bao bom đạn trút xuống, bao người lính trai trẻ mãi mãi không về. Máu các anh nhuộm đỏ dòng Thạch Hãn như lời thơ Lê Bá Dương - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Còn bao gia đình chưa tìm thấy hài cốt người thân, máu xương các anh đã hóa vào đất mẹ dưới những trảng cỏ xanh Thành cổ hôm nay. Hy vọng kiếm tìm một mảnh xương cũng thật mong manh: Ngước trông Thành Cổ nghẹn lời/ Sông Thạch Hãn vẫn lở bồi phận sông/Bao giờ mới điểm danh xong/ Những mảnh xương vụn vùi trong đất này.

Không tìm được hài cốt của chồng, người vợ tìm cách bấu víu vào những gì mong manh như một ánh đom đóm trong đêm. Theo quan niệm dân gian, đom đóm là những sinh vật có yếu tố tâm linh. Nó gần gũi với linh hồn người mất, có khi đom đóm chính là những người đã khuất hiện về, hiển linh để báo sự trở về của mình: Con đom đóm chớp ngang trời/Phải anh thì nói một lời đi anh. Câu thơ như khứa vào da thịt mỗi người, tìm kiếm chồng qua mấy chục năm vẫn vô vọng, mong mỏi được gặp chồng, mong được nghe một lời của chồng dù trong tiềm thức để dịu vợi bớt nỗi đau thương. Một lời thôi cũng đủ cho người vợ yên lòng nhưng tất cả chỉ là sự im lặng đáng sợ.

Từ mảnh đất Thành cổ đầy đau thương, mất mát, người vợ như chạm vào cõi vô thức để cảm nhận những nhịp bước quân hành vọng về: Từ trong rêu cỏ Cổ Thành/ Vọng ra nhịp bước quân hành thực hư/Sương khuya rụng buốt tâm tư/Rì rầm tiếng lá nghe như tiếng người. Chính sự hòa trộn hư - thực ở mảnh đất này gợi cho người đọc bao xót xa về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh.

Không tìm được hài cốt của chồng nhưng ở mảnh đất người chồng đã hy sinh người vợ dường như phần nào cũng nguôi ngoai nỗi đau khi biết dưới lớp đất kia còn bao đồng đội của chồng cũng chưa về khói hương, tiếng vọng của nhịp bước quân hành, tiếng lá rơi nghe thiêng liêng và đầy ám ảnh.

Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn.

Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn.

4.

Bài thơ Khát vọng Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý được sáng tác năm 1996, sau khi chiến tranh kết thúc 21 năm, đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thi phẩm nhanh chóng được phổ biến và các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Chừng, Võ Thế Hùng cùng phổ nhạc, trở thành những ca khúc được biểu diễn trên nhiều sân khấu, đến với công chúng bằng cả hai con đường thơ và nhạc.

Bài thơ được gợi cảm hứng từ nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn mười nghìn liệt sĩ, trong đó có những người đồng đội của nhà thơ. Đọc Khát vọng Trường Sơn không khỏi rưng rưng những nỗi niềm cảm động bởi bài thơ đã khơi gợi bao đau thương mất mát của Đất nước, Dân tộc trong những năm khói lửa chiến tranh.

Khát vọng Trường Sơn có cấu tứ khá đơn giản gồm ba mươi dòng thơ. Trừ hai dòng thơ đầu còn lại tất cả các dòng thơ đều bắt đầu bằng số từ “Mười nghìn”. Đó là con số tương ứng với số mộ ở nghĩa trang Trường Sơn và từ đó gợi bao liên tưởng, bao đau thương, mất mát trong chiến tranh: Nằm kề nhau/Những nấm mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương/Mười nghìn ngôi sao cháy. Ở đó đâu chỉ có mười nghìn ngôi mộ giống nhau mà còn là mười nghìn cuộc đời, mười nghìn số phận, mười nghìn gia đình và muôn nghìn nỗi đau khác nhau.

Cấu trúc 28/30 dòng thơ bắt đầu bằng “Mười nghìn” dễ gây cảm giác nhàm chán, đơn điệu, tưởng không có gì mới nhưng với cảm xúc tận đáy lòng của một người đi ra từ cuộc chiến, Nguyễn Hữu Quý đã cho người đọc thấy bao điều mới lạ qua con số “Mười nghìn.

Đó đâu chỉ là mười nghìn nấm mộ mà là mười nghìn cuộc đời, mười nghìn trái tim mang bao hoài bão, khát vọng, họ có mặt nơi chiến tranh ác liệt, họ là những người mở đường, xẻ núi, bám trọng điểm, họ chịu bao gian khổ, khó khăn: Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn/Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn/Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi/Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm/Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều... Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng/ Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh.

Phần sau của bài thơ, từ con số “Mười nghìn” mà mở ra, nới rộng biên độ, đến bao đau thương, mất mát. Đó là những người mẹ chờ con trong mỏi mòn hy vọng, những cái tên đêm đêm mẹ nhắc, hình ảnh con về trong thảng thốt những giấc mơ, đó là những con đò chưa được về bến, đó là những hạt giống chưa được về phù sa đợi ngày nảy mầm xanh cây, tất cả như ứa nghẹn: Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...

Trong bài thơ Thơ đề ở thành cổ Quảng Trị, Nguyễn Hữu Quý cũng có những tứ thơ đầy xúc động khi chứng kiến hình ảnh người mẹ thắp nhang trên mộ con: Dưới cỏ, làm chi còn chiến trận/ Súng ống gỉ mòn, xương cốt tan/ Khói hương, Mẹ thắp, trôi chầm chậm/ Một dáng lưng còng, một thở than...

Từ mười nghìn tấm bia, mười nghìn ngôi mộ đang hiện diện ở nơi đây, Nguyễn Hữu Quý không quên nhắc nhở còn biết bao hài cốt đồng đội đang nằm rải rác khắp rừng Trường Sơn chưa được về khói hương. Những hài cốt đơn côi, cô quạnh khắp nẻo rừng già chắc cũng phần nào được an ủi trong một niềm khát vọng lớn lao được về bên nhau: Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng.../Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!

Một lần nghe tiếng ve ở nghĩa trang Trường Sơn, Nguyễn Hữu Quý cũng rưng rưng nỗi niềm: “Về chưa… về chưa?”/”Về chưa… về chưa?”/ Cũng đành nhắc lại/ Với mồ không tên và mộ có tên/ “Về chưa… về chưa?”/Cũng đành nhắc mãi/ Gọi hồn rừng sâu thăm thẳm lạnh lùng (Tiếng ve ở nghĩa trang Trường Sơn).

Có lần trước mộ đồng đội, nhà thơ cũng không khỏi ngậm ngùi: Bây giờ núi bọc lấy thân/ Chỉ ba tấc đất, vạn lần cách xa/ Trong mơ bạn gọi tên ta/ Giờ ta gọi bạn... Chiều tà lặng thinh! (Nén nhang đồng đội). Khát vọng Trường Sơn - là khát vọng của bao người, khát vọng của lương tâm, lương tri.

5.

Những vần thơ chúng tôi đề cập trên đây như thức tỉnh ở người đọc về một thời đau thương, mất mát, hôm nay được sống trong hòa bình hãy trân trọng quá khứ đau thương, hãy sống có trách nhiệm.

Các bài thơ nhìn chung đều có cấu tứ khá đơn giản, không nhiều dụng công về nghệ thuật, không có nhiều sáng tạo về từ ngữ, hình ảnh nhưng vẫn neo đậu trong lòng người đọc bởi cảm xúc chân thành, nhân văn. Chính từ nền cảm xúc đó, các nhà thơ đã gợi mở và thức tỉnh bao điều, chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau vẫn còn đó, có những vết thương mãi chưa lành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ