Thận trọng với tổ hợp xét tuyển “lạ”

GD&TĐ - Năm 2018, một số trường ĐH lựa chọn nhiều tổ hợp “lạ” để xét tuyển thí sinh. Theo lý giải của các trường thì đây là cách để rộng cửa cho thí sinh có cơ hội học tập. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì thí sinh cần cân nhắc thật kỹ khi chọn tổ hợp “lạ” để xét vào học một ngành ở bậc ĐH.

Thận trọng với tổ hợp xét tuyển “lạ”

Lý giải của nhà trường

Năm 2018, Trường ĐH Nam Cần Thơ tuyển sinh ngành Kiến trúc nhưng không có môn Vẽ; tuyển sinh ngành Dược và Công nghệ thông tin theo tổ hợp Văn - Lý - Hóa… Trao đổi về những tổ hợp mới lạ này, TS Nguyễn Văn Quang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết: Tất cả các phương án tuyển sinh của trường được tính toán kỹ và theo hướng có lợi cho thí sinh, tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội học tập.

Riêng ngành Kiến trúc trường chọn 2 phương thức tuyển sinh. Thứ nhất là tuyển sinh theo điểm thi THPT quốc gia theo 4 tổ hợp: Toán - Lý - Vẽ; Toán - Lý - Hóa; Toán - Văn - Vẽ; Văn - Toán - Anh văn. Trong 4 tổ hợp này, ngành nào cũng có môn Toán là môn chính và 2 tổ hợp có môn Vẽ. Còn xét tuyển theo học bạ ngành Kiến trúc với các tổ hợp: Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Công nghệ; Toán - Lý - Tin học; Toán - Công nghệ - Tin học.

Theo TS Nguyễn Văn Quang: Việc xét tuyển theo học bạ không có môn Vẽ, lý do là qua khảo sát của nhà trường trong thời gian qua, các em thí sinh chọn ngành Kiến trúc thì đa số có khiếu môn Vẽ, vẽ tốt và có định hướng từ trước. Thứ hai là hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, khi người kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế đều sử dụng máy móc, sử dụng các phần mềm. Do đó vấn đề năng khiếu về vẽ đối với ngành kiến trúc hầu như không còn cần thiết nữa; trong khi các môn liên quan đến công nghệ lại rất cần. Do đó ngành Kiến trúc khi xét tuyển theo học bạ thì tổ hợp có môn Tin học, Công nghệ… Qua đó có thể thu hút được sinh viên.

Đặt vấn đề tổ hợp Văn - Lý - Hóa tuyển sinh cho ngành Dược học, Công nghệ thông tin có hợp lý không, theo TS Nguyễn Văn Quang: Đối với ngành Dược, trường tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia theo các tổ hợp: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Văn - Lý - Hóa, Văn - Hóa - Sinh. Xét tuyển theo học bạ các tổ hợp: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Hóa - Tin học; Lý - Hóa - Sinh.

“Nếu xét theo học bạ 4 tổ hợp này thì chúng tôi khẳng định rằng các em đủ sức học tập, không có gì phải đáng ngại. Đặc biệt là ngành Dược phải có môn Lý để các em có thể sử dụng máy móc, công nghệ chế tạo, sản xuất, bên cạnh đó còn có môn Hóa, Sinh cũng rất cần thiết. Nếu xét theo kết quả thi THPT quốc gia, nhà trường xác định tổ hợp Văn - Lý - Hóa để tuyển sinh ngành Dược với lý do: Khi các em học ĐH thì trình độ nhất thiết phải chuẩn, trong quá trình học các em tương tác nhiều lĩnh vực. Ngoài việc chuyên môn giỏi thì các em phải chuẩn về văn phong, chuẩn về kỹ năng ứng xử… Chúng tôi nhận thấy với các tổ hợp này, các em trúng tuyển sẽ đủ sức học ngành Dược”.

Đối với ngành Công nghệ thông tin, trường xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia các tổ hợp Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Sinh; Toán - Lý - Anh; Văn - Toán - Anh. Xét học bạ theo tổ hợp: Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Công nghệ; Toán - Lý - Tin học; Toán - Công nghệ - Tin học. “Nhà trường xác định tổ hợp như vậy các em đủ sức học, tổ hợp nào cũng có môn Toán, Công nghệ, Tin học. Nếu xét theo điểm thi THPT quốc gia, tổ hợp nào cũng có tiếng Anh, rất cần thiết cho ngành này”, TS Nguyễn Văn Quang cho biết.

Thí sinh phải tỉnh táo lựa chọn

Chia sẻ lời khuyên dành cho thí sinh, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Các em cứ yên tâm, bình tĩnh thực hiện theo ước mơ của mình; không nên dao động khi có thêm nhiều tổ hợp xét tuyển lạ. Các em cần tham khảo thông tin tuyển sinh của nhiều trường, chọn những trường có tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất để cơ hội trúng tuyển cao nhất…”.

Ông Khang cũng nêu thực tế là ở các trường ĐH, hằng năm có nhiều trường hợp sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai xin thôi học vì lý do không phù hợp với sở thích. Điều này rất đáng tiếc, gây lãng phí công sức, tiền bạc cho thí sinh, gia đình và xã hội. “Khi thí sinh chọn theo học một ngành học, điều quan trọng đầu tiên thí sinh cần xác định năng lực, khả năng của bản thân. Xem mình có thích hợp với những ngành, nghề đào tạo. Đặc biệt là khả năng của mình thuộc về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội; từ đó sẽ chọn ngành nghề phù hợp nhất. Khi được học một ngành tốt, phù hợp với năng lực, phù hợp với sở thích thì kết quả học tập chắc chắn sẽ tốt hơn”.

Chia sẻ về ngành Kiến trúc, Kiến trúc sư Nguyễn Thành Nên, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cho biết: “Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật liên quan đến việc tổ chức sắp xếp không gian, lập hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc. Công việc của một kiến trúc sư là thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình và cung cấp những giải pháp về kiến trúc ở các lĩnh vực xây dựng khác nhau xuất phát từ nhu cầu thực tế…

Những tố chất phù hợp với ngành Kiến trúc cần phải có năng khiếu vẽ và khả năng sáng tạo, khả năng quan sát, tìm tòi, học hỏi. Đam mê lĩnh vực nghệ thuật, có óc thẩm mỹ; có khả năng tính toán để không bỏ qua yếu tố kinh tế trong việc thiết kế… Bên cạnh học chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng về kiến trúc mỹ thuật như: Công tác quy hoạch - thiết kế đô thị, khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc, phương pháp luận sáng tạo, phương pháp sáng tác kiến trúc…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ