Không có biến động lớn
Được xem là trường đại học thuộc tốp đầu khu vực phía Nam, nhưng năm nay mức điểm sàn xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng chỉ ở mức 20. Với phân hiệu tại Vĩnh Long, mức sàn xét tuyển còn thấp hơn, chỉ 16 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có mức điểm sàn xét tuyển điểm thi THPT các ngành từ 18 điểm theo tổ hợp xét tuyển. Trường ĐH Sài Gòn mức điểm sàn xét tuyển cũng dao động từ 15 đến 22 điểm. Trong đó, nhóm ngành có điểm sàn xét tuyển ở mức 16 - 19 điểm khá nhiều.
Trường ĐH Luật TPHCM mức điểm sàn dao động từ 20 - 24 điểm, cao nhất rơi vào tổ hợp C00. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM điểm sàn xét tuyển dao động từ 16 - 21 điểm.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, xu hướng công bố điểm sàn xét tuyển ở mức vừa phải đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây. Mục tiêu là để các trường đảm bảo đủ số lượng nguồn tuyển trước khi lọc thí sinh chất lượng theo quy tắc từ cao xuống thấp cũng như tham chiếu các tiêu chí để ra mức điểm chuẩn trúng tuyển.
Thí sinh tham vấn ngành nghề trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. |
“Thực tế, mức điểm sàn xét tuyển với điểm chuẩn trúng tuyển sẽ không bao giờ song hành hay tương xứng với nhau. Bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng hồ sơ xét, sự quan tâm của thí sinh với nhóm ngành nghề, tỷ lệ chỉ tiêu các trường cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, thí sinh hết sức thận trọng và cân nhắc chọn ngành nghề theo học ở các trường mình yêu thích sau khi tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển 2 - 3 năm trước một cách kỹ lưỡng”, TS Trần Đình Lý lưu ý.
Thực tế, “bẫy điểm sàn” thấp khiến nhiều thí sinh chủ quan và phải trả giá là chuyện thường xuyên xảy ra ở các mùa tuyển sinh. Đơn cử như năm 2021, điểm sàn xét tuyển vào Trường ĐH Luật TPHCM dao động từ 19 - 24 điểm. Trong đó, tổ hợp C00 là cao nhất, 24 điểm.
Tuy vậy, điểm chuẩn trúng tuyển C00 vọt lên tới 27,5 điểm. Tương tự, điểm sàn tổ hợp A00 là 21,5 điểm, nhưng điểm trúng tuyển lên tới 25,5 điểm… Thực tế này khiến không ít thí sinh thi 3 môn đạt 24 điểm (tự tin đậu với 8 điểm/môn) đã phải “ôm hận” khi chọn học ngành Quản trị kinh doanh hay Quản trị - luật.
“Năm nay, môn Sử và Văn phổ điểm tăng nhẹ, thí sinh sử dụng điểm thi các môn này (tổ hợp C00) để xét tuyển chắc chắn phải cân nhắc giữa mức điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển bởi khả năng sẽ có sự biến thiên về điểm chuẩn trong tổ hợp này”, ThS Nguyên nhận định.
Theo ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, việc điểm chuẩn cao hơn điểm sàn vượt dự tính của thí sinh (3 - 4 điểm, thậm chí 5 điểm) là chuyện không hiếm. Bởi các trường xác định điểm chuẩn dựa vào chỉ tiêu, phương thức từng ngành, số thí sinh đăng ký và phổ điểm của thí sinh.
Đừng để điểm sàn thấp dẫn dắt
Thực tế tuyển sinh nhiều năm nay cho thấy, mức điểm sàn các trường đưa ra không có nhiều giá trị tham khảo, bởi mức điểm ấy đơn thuần chỉ là đảm bảo điều kiện đủ để thí sinh tham gia xét tuyển. Theo các chuyên gia, để tránh rơi vào “bẫy điểm sàn” thí sinh cần phải tham khảo và đối chiếu điểm chuẩn trúng tuyển ngành nghề mà mình yêu thích trong 2 - 3 năm gần nhất và đảm bảo mức điểm xét tuyển cao hơn mức điểm cũ ở ngưỡng an toàn thì hãy sử dụng lựa chọn xét tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tham vấn ngành nghề vào Trường ĐH Mở TPHCM tại ngày hội tư vấn. |
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - chia sẻ, điểm sàn bản chất không phải điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Bởi hiện nay điểm sàn các ngành trong cùng một trường rất đa dạng với nhiều mức khác nhau. Vì vậy, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh nên đăng ký theo nhóm ngành, ví dụ như đăng ký ngành Công nghệ thực phẩm thì đăng ký luôn các ngành cùng với nhóm thực phẩm như Đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Quản trị kinh doanh thực phẩm, Công nghệ sinh học (hướng theo ngành thực phẩm) để tăng thêm cơ hội.
“Để tránh rơi vào “bẫy điểm sàn” khi có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, thí sinh phải đặc biệt lưu ý việc đặt nguyện vọng xét tuyển của mình. Khi thí sinh đăng ký khoảng 4 - 6 ngành thuộc cùng nhóm ngành và theo thứ tự ưu tiên:
Chọn lọc ra những trường đại học, ngành mà điểm thi của mình thấp hơn điểm chuẩn (năm trước) khoảng 1 - 2 điểm mình sẽ đặt làm nguyện vọng 1, 2; tiếp đến là những trường đại học có điểm chuẩn (năm ngoái) bằng với điểm thi tốt nghiệp THPT; sau đó là trường có điểm chuẩn (năm trước) thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT của mình. Với cách trên thì kiểu gì cũng đậu vào ngành, trường mà mình muốn”, ThS Sơn lưu ý.
TS Trần Đình Lý nhìn nhận sự ngộ nhận điểm sàn gần như là điểm chuẩn trúng tuyển vẫn còn tồn tại ở nhiều thí sinh. Vì vậy, nhiều em khi có điểm thi cao hơn điểm sàn 2 - 3 điểm tỏ ra rất tự tin. Nhưng các em lại bỏ quên những yếu tố khác có thể tác động, cấu thành nên điểm chuẩn trúng tuyển vào một ngành, nhóm ngành của trường đại học như: Ngành hot, chỉ tiêu dành cho phương thức điểm thi THPT còn ít, số hồ sơ nộp xét tuyển tăng đột biến… dẫn đến việc “ngã ngựa” khi điểm chuẩn thực tế tăng đến 4 - 5 điểm so với điểm sàn.
“Thí sinh nên đối sánh mức điểm đang có với điểm chuẩn các trường năm trước. Bởi thực tế cho thấy có không ít em thấy điểm thi cao đã không quan tâm tới ngành mà mình đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vì lựa chọn nguyện vọng không chuẩn. Đây là việc cần hết sức cân nhắc, vì nếu là ngành học và trường mình yêu thích thì vẫn nên lựa chọn việc trúng tuyển sớm ở các phương thức khác”, TS Trần Đình Lý nói.