Bệnh nặng hơn vì thuốc xịt mũi
Chị Lê Xuân Phương (29 tuổi, ở Lâm Đồng) - chia sẻ: “Tôi bị viêm mũi dị ứng nên mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi thường chảy nước mũi, nghẹt mũi rất khó chịu. Tôi mua nước biển về xịt mũi nhưng thấy không bớt nên chuyển sang dùng thuốc xịt mũi dạng co mạch. Tuy nhiên, sau khi hết sổ mũi thì tôi lại vướng phải chứng nghẹt mũi. Hầu như sáng nào tôi cũng phải thức dậy từ rất sớm vì không thở được. Đến nay, bệnh vẫn chưa khỏi hẳn mà chỉ đỡ sau mỗi lần nhỏ thuốc”.
Anh Trọng Nhơn (ở Bình Định) cũng có tình trạng tương tự: “Tôi thường xuyên bị nghẹt mũi, nhờ bạn bè giới thiệu, tôi ra hiệu thuốc mua thuốc xịt mũi về dùng. Khi mới dùng thuốc nhỏ mũi, tôi thấy mũi thông thoáng, dễ thở hẳn. Nhưng sau đó, thuốc gần như không còn tác dụng. Rất nhiều lần, tôi phải xịt 6-7 lần/ngày mới thấy đỡ. Mới đây, tôi đi khám, bác sĩ bảo tôi bị viêm xoang rất nặng”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mũi xoang, một vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân gặp phải khi đến khám bệnh hiện nay là tình trạng lờn thuốc. Bên cạnh đó, không những không hết triệu chứng nghẹt mũi, tình trạng bệnh của bệnh nhân còn trở nặng vì lạm dụng thuốc xịt mũi.
Khi nào cần dùng thuốc xịt mũi?
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn – Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, nghẹt mũi là các triệu chứng thường gặp của bệnh mũi xoang như: Viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang mạn tính, polyp mũi, u nhú ngược mũi xoang, có thể là u vòm… Bệnh nhân cần điều trị đặc trị.
Nghẹt mũi cũng có thể do một số thay đổi cấu trúc giải phẫu thường gặp như: Vẹo vách ngăn; quá phát xương cuống mũi dưới hoặc niêm mạc cuống trong bệnh viêm cấp và mạn, hẹp van mũi… Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật tạo đường thông thoáng cho hốc mũi để hết triệu chứng nghẹt mũi.
Ở một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc xịt mũi. Thuốc xịt mũi ngày nay thường có 3 dạng chính: Dung dịch nước muối sinh lý, thuốc xịt mũi dạng Corticoid tại chỗ và thuốc xịt mũi dạng co mạch (Naphazoline, Oxymetazoline …).
Với nước muối sinh lý (NaCl 0.09%) hoặc nước biển sâu, bệnh nhân chỉ có thể sử dụng dung dịch này để để rửa sạch bụi nhầy, vi khuẩn, vi trùng hít vào và bám vào niêm mạc mũi hằng ngày. Tuy nhiên, nước muối sinh lý và nước biển sâu chỉ là dung dịch xịt mũi an toàn, chức năng chính là vệ sinh làm sạch mũi, giúp phục hồi chức năng của long chuyển trên niêm mạc mũi chứ không có chức năng điều trị triệu chứng nghẹt mũi.
Thuốc xịt mũi dạng Corticoid tại chỗ thường sử dụng trong các trường hợp viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi xoang mạn tính. Dạng thuốc co mạch (Naphazoline, Oxymetazoline…) thường mang lại tác dụng phụ, vì vậy khi sử dụng cần có sự chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ.
Cẩn thận với thuốc xịt mũi dạng co mạch
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc xịt mũi dạng co mạch dài ngày vì ban đầu sử dụng thấy hiệu quả. Tuy nhiên, khi hết thời gian co mạch, thuốc trở nên vô tác dụng, khi đó, triệu chứng nghẹt mũi có thể không hết mà còn dẫn đến tình trạng lờn thuốc.
Theo BS Hảo Hớn, thuốc xịt mũi dạng co mạch chỉ điều trị trong những trường hợp viêm xoang cấp do siêu vi, tuyệt đối không được sử dụng quá 7 ngày. Loại thuốc co mạch phải được dùng theo lứa tuổi phù hợp. Thuốc co mạch dạng Naphazoline, Oxymetazoline… chỉ được dùng ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Oxymetazoline có dạng 0.05% sử dụng được cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi.
Tuyệt đối, không được sử dụng thuốc nhỏ mũi dạng co mạch của người lớn cho trẻ em. Vì thuốc nhỏ mũi có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi của trẻ, mất chức năng bảo vệ sinh lý tự nhiên, dễ gây nên tình trạng viêm mũi xoang sau này. “Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc xịt mũi. Khi có vấn đề về viêm mũi, xoang, nên đến bác sĩ chuyên khoa về mũi xoang để khám và điều trị theo nguyên nhân thì tình trạng bệnh mới được cải thiện” - BS Hảo Hớn khuyên.