“Thần tốc” truy vết và xét nghiệm có hiệu quả với Omicron?

GD&TĐ - Việt Nam cần bộ kit PCR đặc hiệu để sàng lọc phân biệt chủng Omicron. Bởi, nếu thiếu kỹ thuật hay chậm trễ sàng lọc, việc kiểm soát Omicron sẽ vô cùng khó khăn.

Omicron sống trong mũi và vùng hô hấp trên nên dễ lây lan.
Omicron sống trong mũi và vùng hô hấp trên nên dễ lây lan.

Trong khi đó, không có cách nào truy vết kịp tốc độ lây nhiễm của Omicron.

Phương pháp mất thời gian

Ngày 19/1, Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) cho biết, đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại TPHCM. Ba trường hợp này đều liên quan đến một người nhập cảnh. Sau khi phát hiện ba ca nhiễm, Bệnh viện 30-4 đã có buổi làm việc với các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) về các trường hợp trên.

Theo đó, ngày 15/1, Bệnh viện 30-4 nhận được một số mẫu đề nghị xét nghiệm RT-PCR. Ba người này có triệu chứng đau họng và chảy nước mũi nên đến khám tại một phòng mạch tư. Họ được lấy mẫu xét nghiệm (phết họng) sau đó gửi đến Bệnh viện 30-4 làm xét nghiệm PCR.

Đến ngày 16/1, các mẫu xét nghiệm được gửi tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện giải trình tự gen xác định biến thể của virus SARS-CoV-2. Chiều 18/1, kết quả cho thấy, cả 3 bộ gen này thuộc biến thể Omicron. Đây được xem là 3 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện tại cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

TS Nguyễn Đức Thái - nhà đồng sáng lập của chuỗi hội thảo thường niên TransMed-VN nhằm trao đổi kinh nghiệm y sinh giữa giới khoa học quốc tế và Việt Nam chia sẻ, phương pháp hiện tại gồm 2 giai đoạn xét nghiệm dương tính với Covid bằng test nhanh. Sau đó phải giải trình tự để xác định là Omicron. Tuy nhiên, theo TS Thái, cách làm này tốn kém và mất thời gian.

“Việt Nam sẽ là môi trường cho Omicron hoành hành nếu không có kế hoạch kiểm soát hiệu quả. Con số 15 - 16 nghìn ca Delta hằng ngày sẽ được thay thế bằng Omicron và sẽ lây gia tốc thành 5 - 10 lần số lượng”, chuyên gia này nhận định.

Ông Thái cho rằng, vắc-xin vẫn là chọn lựa an toàn nhất. Giải pháp thực tế là cần khai triển vắc-xin nội địa để đáp ứng nhu cầu hiện nay và lâu dài. Trong khi đó, khoảng 20% số ca lây nhiễm có thể sẽ là trẻ em và đặc biệt nguy hiểm cho những trẻ chưa được tiêm chủng.

“Cũng như các làn sóng Covid trước, phần lớn người trẻ sẽ là nguồn lây và gây bệnh nặng cho người lớn tuổi trong gia đình. Số lượng này sẽ rất lớn trong trường hợp Omicron. Tuy được vắc-xin bảo vệ, nhưng họ vẫn là nhóm rất cần chăm sóc và trị liệu, nếu không sẽ trở bệnh nặng gây số tử vong cao.

Điều quan ngại cuối cùng là nếu để dịch lây lan lâu dài, sẽ tạo điều kiện cho biến chủng mới. Trong trường hợp này có thể là biến chủng hoàn toàn kháng các vắc-xin và gây bệnh trầm trọng hơn”, TS Thái dự đoán.

Cần kit xét nghiệm đặc hiệu?

Cũng theo chuyên gia này, hiện tại, Omicron không “hung bạo” như Delta, nhưng vẫn là mối đe doạ nguy hiểm tới y tế. Trong khi đó, Việt Nam cần bộ kit PCR đặc hiệu để sàng lọc phân biệt chủng Omicron.

Thiếu kỹ thuật hay chậm trễ sàng lọc, việc kiểm soát Omicron sẽ vô cùng khó khăn, dẫn đến các hệ luỵ khó lường. Bên cạnh đó, TS Thái cho rằng, cần chuẩn bị thuốc kháng virus Molnupiravir, Faviravir, Paxlovid và đầy đủ cho nhóm nguy cơ, bao gồm người cao tuổi và trẻ em.

“Việc xét nghiệm dựa trên nghi ngờ nhiễm Omicron quá mơ hồ và không hợp lý, khả năng bỏ sót rất cao. Có hai cách giải trình tự từ genome của virus hay từ sản phẩm PCR. Dù cách nào thì cũng phức tạp, tốn thời gian và tài chính.

Thực tế, chỉ cần làm multiplex PCR với Omicron và Delta thì có thể phát hiện Omicron đặc hiệu, chỉ dùng PCR thường quy. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể khó vì nhiều đột biến. Dù được, sẽ không có giá trị cho việc truy tìm Omicron vì bất khả phân biệt với Delta”, TS Thái cho biết.

Theo ông Thái, điều quan trọng nhất hiện tại là có chiến lược xét nghiệm hiêu quả truy tìm để kiểm soát nhanh Omicron và trên diện rộng. Diện rộng có thể là sân bay, khách sạn, chung cư, các bệnh viện, doanh nghiệp hay khu phố nghi lây nhiễm. Diện rộng không nhất thiết làm toàn thành phố, mà là khả năng xét nghiệm mẫu thử lớn vài chục hay trăm nghìn trong ngày cho một khu ổ dịch.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn cao cấp Trung tâm Gen trị liệu Bệnh viện Bạch Mai, test nhanh đạt độ nhạy 50 - 80% với những người có triệu chứng. Những người không có triệu chứng đạt 30 - 60%. Ngoài ra, truy vết sẽ không còn giá trị. Bởi, không có cách nào truy vết kịp tốc độ lây nhiễm.

“Omicron sống trong mũi và vùng hô hấp trên. Điều này làm cho nó rất dễ lây lan. Tuy nhiên, nó không gây tổn thương nặng ở phổi như các biến thể khác”, PGS Kình chia sẻ.

Theo chuyên gia này, số ca nhập viện do Omicron có thể tăng, nhưng hầu hết là nhập viện thứ cấp (tức là những người nhập viện để phẫu thuật, gãy xương... được xét nghiệm Covid). Ngoài ra, người dân được khuyến cáo không nên quá lo lắng về Omicron.

“Covid sẽ cùng với 4 Coronavirus khác gây ra cảm lạnh thông thường, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, RSV... nó sẽ trở thành một bệnh nhi khoa chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ chưa có khả năng miễn dịch”, chuyên gia này nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.