Thân thương lá mùi ngày Tết

GD&TĐ - Những ngày này, khắp các ngõ hẽm khu chợ, người ta đều xúm đông vào các mẹt hàng rau mùi già.

Thân thương lá mùi ngày Tết

Hầu hết các bà, các mẹ ai nấy đều mang trên tay bó mùi già. Vì sao thứ lá dân dã ấy lại được yêu chuộng ngày Tết đến thế?

Tác dụng dân gian

Rau mùi là tên gọi ở miền Bắc, miền Nam gọi là ngò. Mùi đã trở thành cây rau, cây thuốc Nam từ lâu đời, quen thuộc của người Việt Nam. Cây mùi có tinh dầu với thành phần chính là coziandrol (65-70%) dùng làm nước hoa, nước gội đầu, làm rượu, ướp chè. Hạt tươi quả mùi hắc nhưng rang sấy lên thì mùi trở nên thơm dễ chịu.

Tính năng công dụng của mùi trong Đông Tây y tương tự các cây cỏ có tính dầu, như gây hưng phấn thần kinh và tình dục, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, chữa nôn trướng bụng giảm đau răng, thắt dạ dày, ruột.

Thân thương lá mùi ngày Tết  ảnh 1

Dân gian có phương thuốc từ rau mùi rất hay. Trước mùa sởi, lấy cây mùi già rửa sạch hong gió cho khô để nấu nước tắm, giặt quần áo cho trẻ 1-2 tuần một lần. Khi bị sởi dùng lá hay hạt giã nhỏ, nhuyễn, với ít rượu trắng, cho vào bọc vải xoa nhẹ lên người từ trên xuống tay chân hoặc phun bằng miệng xong mặc áo kín, tránh gió lùa.

Mùi có tác dụng làm đẹp da khi lấy toàn cây mùi già thân, cành, lá, hoa, quả, rễ nấu nước tắm, da trở nên mềm mại, sáng đẹp. Chữa loét niêm mạc lưỡi: Lá rau mùi 20g, rau húng chanh 12 lá, ngâm nước muối. Nhai kỹ ngậm nuốt từ từ, rất có hiệu quả. Chữa mặt mọc nốt ruồi đen: Hạt mùi sắc nước rửa mặt thường xuyên. Chữa lòi dom, sa trực tràng: Quả mùi đốt lên rồi tắt lửa cho khói lên để xông vào hậu môn. Chữa chứng đau bụng lâm râm sau khi ăn, đầy hơi không tiêu: Rau mùi 1 nắm, vỏ quýt 8-10g. Sắc uống khi nước còn ấm.

Ngoài ra, mùi chữa kiết lỵ rất tốt. Đau bụng mót rặn đi ngoài không được, hoặc ra tí chút kèm máu. Hạt mùi 1 vốc sao thơm, tán nhỏ, mỗi lần uống khoảng 8g. Nếu lỵ ra máu uống với nước đường, nếu lỵ ra đờm uống với nước gừng. Ngày 2 lần. Chữa giun kim: Hạt mùi tán nhỏ, trứng gà luộc, ít dầu vừng nhào chung cho đều, viên nhỏ nhét vào hậu môn của trẻ khi trẻ ngủ đêm, làm 3 đêm liền. Chữa tiêu chảy ra máu: Hạt mùi 1 vốc sao thơm, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g, với nước chín. Ngày 2 lần rất tốt.

Hương mùi già gây thương nhớ lòng người

Mùi già còn được cắm thay hoa rất đẹp.

Mùi già còn được cắm thay hoa rất đẹp.

Mỗi độ xuân về, người ta ra chợ, người người qua lại như mắc cửi nhưng chỉ cần một chị bán mùi già đi qua, là như thấy cả vị Tết đang về

Giống cây có mùi hương không xa hoa như hồng, không kiêu kì như xạ hương, không chảnh chọe như ly nhưng lại vô cùng đặc biệt. Chỉ cách vài bước chân đã ngửi thấy mùi thơm – thứ hương dân giã, thứ vị nồng nàn, thứ tình da diết.

Chỉ cần đưa bó mùi lên mũi, hít hà làm cho người ta muốn ôm cả bó rau già ấy mà đem về tận hưởng. Đó cũng chính là lí do các mẹ, các chị đi chợ không bao giờ quên bó mùi già ngày Tết. Nhiều người còn yêu quý đến mức cắm thay hoa để giữa nhà hoặc trên bàn làm việc, bàn tiếp khách để cả nhà cùng hưởng.

Thứ mùi thơm thảo dược ấy giúp xua tan hết mệt mỏi không chỉ một ngày, mà dường như giúp người ta xua tan phiền muộn của cả một năm. Thế nên, dù là chợ 30 tết đông đúc tới đâu, nắng hanh hao hay mưa dầm sùi sụt, người ta vẫn dành tình yêu đặc biệt cho mùi già.

Người ta dùng mùi già để nấu nước tắm, rửa mặt, xông người, trong dịp đặc biệt nhất trong năm: chiều ngày 30 tết!  Mùi thơm thảo mộc này bay khắp ngôi nhà, góp phần làm Tết ấm nồng hơn, đậm đà hơn.

Mẹ tôi khi còn sống, bất kể nhà xa chợ cỡ nào cũng tìm bằng được lá mùi già để cắm bình bông không phải là ngày 30 Tết, mà ngay từ ngày đầu có mùi già trong tháng cận Tết. Mẹ nói “chỉ cần ngắm nhìn cánh hoa mùi già, chỉ cần thoang thoảng hương nồng ấy thôi, cũng đủ làm cho tâm hồn dịu nhẹ, Tết bắt đầu từ đó”.

Còn chị tôi thì bị ảnh hưởng ấy từ mẹ, cứ mỗi khi có lá mùi già là dùng tay vò nát, rồi xoa lên mặt để làm đẹp da. Chị nói “làm đẹp từ lá mùi già vừa lành, vừa tiện lợi”.

Khi lớn lên, tôi cũng để ý, thấy mọi nhà đều yêu quý mùi già và có cách trân trọng riêng thứ mùi hương này. Có lần, đồng nghiệp của tôi còn mua mùi già mang đến cơ quan cắm và rất hay kể chuyện liên quan đến mùi già. Chị làm như thể sợ mọi người không biết đến tác dụng cũng như sợ quên đi mùi vị dân dã ấy. Chị nói “tôi biết các cô ngày nay không thiếu gì nước hoa hảo hạng, nhưng hãy dành những ngày cận Tết, dẹp hết chúng sang một bên để tận hưởng mùi già, sẽ cho cảm giác rất khác lạ đó. Hãy thử đi nhé”.

Mọi người cùng cười lớn và hiểu ý đồ của chị về sự giữ gìn, lan tỏa hương vị mãi mãi trong tâm khảo người Việt. Cảm ơn chị nhắc nhở và trong thâm tâm, quả thật khi đã là người Việt thì làm sao quên được mùi hương nồng nàn, quyến rũ thảo mộc ấy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ