Than hữu cơ không khói từ... hạt nhãn

GD&TĐ - Từ hạt nhãn và các vật liệu bỏ đi, Hoàng Thị Trang đã phối trộn tìm ra công thức tối ưu làm than hữu cơ không khói, bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Sản phẩm than hữu cơ không khói từ hạt nhãn.
Sản phẩm than hữu cơ không khói từ hạt nhãn.

Tận dụng phế phẩm ở vựa nhãn

Than hữu cơ không khói từ hạt nhãn là sản phẩm nghiên cứu của em Hoàng Thị Trang, Trường THPT Phù Cừ, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Trang cho biết, em sinh ra ở Hưng Yên, nơi mỗi vụ thu hoạch và làm long nhãn sẽ thải ra môi trường hàng chục tấn hạt. Nước sông, ngòi, mương, máng ở các vị trí đổ hạt và vỏ nhãn có màu đen và mùi khó chịu.

Ở nơi Trang sinh sống, có một số gia đình nuôi lợn có thu gom hạt nhãn để đốt sưởi ấm cho lợn đẻ vào mùa Đông, bởi hạt nhãn phơi khô khi đốt có khả năng giữ nhiệt rất tốt.

Trang thấy người dân thường làm than từ củi nhãn, thân cây lấy gỗ, gáo dừa, mùn cưa… trong khi đó hạt nhãn cũng được cấu trúc từ xenlulôzơ. Vì vậy, em cho rằng, rất có thể hạt nhãn là một tiềm năng để sử dụng sản xuất ra than hữu cơ không khói.

Để tạo ra thành phẩm than hữu cơ không khói, Trang thực hiện thu gom hạt nhãn, nung hạt trong môi trường yếm khí để khử khói. Kỹ thuật, quy trình nung giống với kỹ thuật làm than thông thường.

Sau đó hạt được đem đi nghiền, trộn chất kết dính và ép viên. Các chỉ tiêu của than sau khi xét nghiệm như độ ẩm toàn phần, hàm lượng chất bốc, nhiệt lượng toàn phần, hàm lượng lưu huỳnh đều bảo đảm tiêu chuẩn.

Trang cho biết, hiện nay trên thị trường có 4 loại than nướng đang được sử dụng phổ biến: Than củi, than mùn cưa, than gáo dừa, than trắng binchotan. Khi so sánh với các loại than trên, hàm lượng tro được công bố giao động từ 2% đến 15%, trong đó than hữu cơ được làm từ hạt nhãn có hàm lượng tro 5,66% cao hơn so với than trắng và than mùn cưa, nhưng thấp hơn so với than gáo dừa và than củi đen.

Về chỉ tiêu hàm lượng lưu huỳnh, than có hàm lượng sulfur càng thấp càng tốt và an toàn cho người sử dụng, hạn chế các bệnh liên quan đường hô hấp. Hàm lượng lưu huỳnh của than trắng binchotan và than mùn cưa thông thường nhỏ hơn 0,01%, than gáo dừa dao động từ 0,05 - 0,1%. Kết quả xét nghiệm về hàm lượng lưu huỳnh, chất lượng than hữu cơ được làm từ hạt nhãn đạt 0%.

“Chất kết dính em lựa chọn là bột khoai mì để đảm bảo sản phẩm sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu sinh học”, Trang nói.

Giá rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Em Hoàng Thị Trang cho biết, để sản xuất 100 kg than hữu cơ không khói, cần dùng 300 kg hạt nhãn, có giá 100.000 đồng; 3 kg bột khoai mỳ, có giá 45.000 đồng.

Tiền điện, hao mòn máy móc 100.000 đồng. Tổng chi phí hết 245.000 đồng. Như vậy chi phí dùng để sản xuất ra than hữu cơ từ hạt nhãn tiết kiệm hơn so với các loại than khác ở phần nguyên liệu.

Than từ hạt nhãn có thời gian cháy dài, toả nhiệt độ cao và đều trong suốt quá trình cháy. Trong quá trình cháy than không bị nứt, nổ quá nhiều và không tạo ra mùi khó chịu.

Trang làm phép so sánh: Nếu sản xuất ra than ép mùn cưa, 1.000 kg mùn cưa sẽ sản xuất được 300 kg than hữu cơ không khói. Mùn cưa được thu mua ở làng nghề gỗ với giá 1,6 triệu đồng/tấn. Vậy tính ra để sản xuất 100 kg than cần 500.000 đồng chi phí mua mùn cưa (tổng chi phí khoảng 600.000 đồng/100 kg).

“Vậy nếu sản xuất ra 100 kg than không khói từ hạt nhãn, ta tận dụng nguyên liệu sẵn có, thu mua với giá rẻ, có thể tiết kiệm được khoảng 350.000 đồng so với các loại than thông thường với chất lượng tương đương.

Ngoài ra loại than này còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, tiết kiệm nguồn tài nguyên nhiên liệu chất đốt”, Trang nói.

Sản phẩm giải pháp tạo ra có đầy đủ các thông số cần thiết, đảm bảo theo yêu cầu bảo vệ môi trường, đã thử nghiệm thành công từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022. Các thông số của viên than đảm bảo các chỉ tiêu như: Độ ẩm toàn phần 8,23%, hàm lượng tro 5,66 %, hàm lượng chất bốc 11,34%, hàm lượng lưu huỳnh 0%, giá trị toả nhiệt toàn phần 7.488kcal.

Than đá là tài nguyên không thể tái tạo và đang bị khai thác quá mức trong khi than hữu cơ là nguyên liệu chất đốt được sản xuất dễ dàng, không có khí thải độc hại, tạo ra nhiều nhiệt và sạch hơn. Trang kỳ vọng có thể sớm đưa sản phẩm vào thực tế nhờ sự giúp sức của các doanh nghiệp về năng lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ