Bước vào Trung tâm Hương Bình, du khách sẽ nhận thấy tràn ngập không gian nông thôn với hàng tre, trúc và hàng rào bằng tre thẳng tắp cuốn hút du khách ngay từ lối vào. Đặc biệt, nơi đây dành riêng 3/5 ngôi nhà gỗ cổ truyền thống mái lợp tranh và ngói, trong đó có 1 ngôi nhà trên 200 năm tuổi, 1 ngôi nhà biểu trưng cho 1 gia đình nông thôn khá giả ngày xưa, 1 ngôi nhà biểu trưng cho 1 gia đình nông thôn bình thường ngày xưa với mái lợp tranh, nền đất, tường vách phên nứa… bên trong được trưng bày, bảo tồn hơn 500 hiện vật vẫn còn nguyên vẹn, gồm những nông cụ ngành nghề cổ truyền tái hiện sinh động cuộc sống, phương thức lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân ở các tỉnh vùng Bắc Trung bộ thời xưa.
Các hiện vật ở đây có nhiều nhóm dụng cụ sản xuất như: Cày, cào, bừa, liềm, hái, xay lúa, cối xay tre, cối xay, giã gạo, xay bột, trấy đạp, xe nước, che mía, cháng ong, gáo dừa, mẹt các loại to nhỏ, áo tơi, trày, trục truốt lúa…; Nhóm dụng cụ săn bắt cá như Nơm, đó, lừ, nhủi, gàu tát nước…; Đồ vật gia dụng gia đình như đọi bát, ấm, đũa, đĩa, ấm, mâm gỗ, so đũa tre, chum, vại, tích, ấm đựng nước qua các thời kỳ bằng đồ gốm, đồ sàn, võng, nôi, cụi và nhóm các mâm gỗ, đồ thờ, đèn bão; Gường, tủ, bàn ghế, chõng tre, quạt mo, võng tre, chõng tre… đã cùng người nông dân phục vụ cho cuộc sống nhân dân và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài ra, còn có máy đánh chữ, phòng trưng bày bàn ghế gỗ cổ, hình ảnh các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành của Việt Nam.
Hiện nay, Trung tâm Hương Bình đã được UBND tỉnh đầu tư, tu bổ và xây dựng tái tạo thêm các khu vườn trong khuôn viên để quảng bá du lịch tham quan đến các trường học và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách Việt Nam và nước ngoài đến tìm hiểu cuộc sống và quá trình sản xuất của người nông dân xưa.
Ông Đặng Quốc Bảo – Bí thư Đảng ủy Xã Hương Bình - cho biết: “Hiện tại, xã và huyện đã gửi đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng thêm Trung tâm Hương Bình. Còn về việc quản lý thì cần phải có cuộc làm việc cụ thể giữa Trung tâm với xã và huyện.”