
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng sinh ngày 20/10/1914 ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan). Thân phụ là Lê Hữu Đạt và mẹ là Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1926, Lê Hữu Trọng là 1 trong 8 thiếu nhi Việt Kiều được chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên Cộng sản Đoàn. Sau khi đến Quảng Châu, Lê Hữu Trọng được Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Tự Trọng cùng họ Lý với bí danh của Bác Hồ hồi đó là Lý Thụy.
Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về Việt Nam, nhận nhiệm vụ liên lạc, vận động thanh niên để thành lập Đoàn thanh niên cộng sản tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tháng 2/1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái, khi thực dân Pháp ập tới, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Laren. Ông lập tức bị địch bắt, giam cầm và tra tấn. Không khai thác được thông tin bí mật, thực dân Pháp mở phiên tòa, kết án tử hình Lý Tự Trọng lúc mới 17 tuổi.







Quần thể Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng có diện tích 4,39 ha, đặt ở thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, gồm các hạng mục chính như: Phần mộ, nhà thờ, tả vu, hữu vu, nhà văn hóa (bao gồm hội trường và phòng trưng bày), nhà điều hành, quảng trường, cảnh quan ngoài trời.
Công trình được xây năm 2011, hoàn thành ngày 20/10/2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.


Năm 2011, sau nhiều năm tìm kiếm, di cốt của anh hùng Lý Tự Trọng đã được tìm thấy tại công viên Lê Thị Riêng (TP HCM). Trong 80 năm kể từ ngày ông hy sinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh cùng dòng tộc, đã đưa di cốt anh về an nghỉ tại quê nhà thuộc xã Việt Tiến .



Nhà tưởng niệm là nơi thờ tự anh linh Lý Tự Trọng cùng một số chiến sĩ cách mạng đã hy sinh.






