Thẩm mỹ quái dị

GD&TĐ - Giữa Thủ đô nghìn năm văn vật, thi thoảng người ta lại dựng lên một hình thù kỳ quái rất khó giải thích. Giữa đất văn hiến, thi thoảng lại có ai đó đề xuất những thứ được cho là thẩm mỹ đầy tính quái dị.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Trái tim lông lá” – phải đúng là cái tên đó mới nói hết sự quái dị mà Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã cho dựng bên Bờ Hồ phía đường Đinh Tiên Hoàng. Nó trở thành một chủ đề bàn luận kèm lẫn quá nhiều bức xúc, bởi tư duy quái thai nào đó đã dựng lên trái tim quái dị đặt giữa một không gian linh thiêng như hồ Hoàn Kiếm.

Họa sĩ Nguyên Trâu đã phải thốt lên rằng “quá kệch cỡm”. Sau đó, người phụ trách quản lý Di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội biện minh rằng, trái tim này được trưng bày nằm trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Đây là hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống…

Nhìn trái tim lông lá, xét về mặt chuyên môn Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói rằng: Không thể đặt một tạo hình “không ổn” về thị giác như vậy ở không gian hồ Gươm. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – ông Nguyễn Quang Thiều đã cảm nhận trái tim lông lá “bị làm sao ấy, không bình thường”.

Thực ra, việc “không bình thường” giữa Hà Nội không phải là hiếm. Người dân từng phải ngắm nhiều thứ phản cảm mà Hà Nội đã cho dựng bên hồ Gươm, như: Quả cầu với bản đồ Việt Nam đỏ chót, hay tạo hình trang sách mở trên một bàn tay rất xấu xí đặt gần đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Rồi hồi năm 2017, khi bộ phim Mỹ có tên “King-Kong Đảo đầu lâu” quay ở nước ta và được trình chiếu, đã thúc đẩy “tính phổi bò” của những người có trách nhiệm khi ấy, với ý định dựng bức tượng King Kong khổng lồ bên hồ Hoàn Kiếm.

Những người có mắt nghệ thuật nếu rảnh rang đi xem xét, thì không chỉ có trái tim lông lá kia mà còn rất nhiều thứ quái dị đang tồn tại trong không gian văn hóa Thủ đô. Những hình thù kỳ quái nhân danh nghệ thuật, thực ra lại không phải nghệ thuật. Đáng sợ hơn là những ý tưởng và hình thù kỳ quái này, lại có sức kéo lùi thẩm mỹ của công chúng. Năm 2019, cũng tại hồ Hoàn Kiếm xuất hiện hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt loè loẹt. Nhiều khối sắp đặt khiến khách du lịch tưởng đó là nhà vệ sinh và vào phóng uế bừa bãi. 

Để những thứ quái dị xuất hiện trong không gian văn hóa, lỗi thuộc về những nhà quản lý. Họ hoặc là không có trình độ thẩm mỹ, hoặc đã lơ là trong công tác thẩm định phê duyệt. Nhưng đáng nói, sau những chỉ trích của dư luận, rất hiếm ai đó có trách nhiệm xin lỗi. Họ hoặc là biện minh cho qua chuyện, hoặc là đẩy lỗi sang cho làng nghề hoặc nghệ sĩ nào đó đã làm ra những thứ kệch cỡm kia.

Đó e cũng là cung cách quản lý văn hóa rất quái dị. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ