Thảm họa động đất nhìn từ Thổ Nhĩ Kỳ

GD&TĐ - Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên những mảng kiến tạo với nhiều đứt gãy có thể gây ra động đất.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm kiếm người bị thương sau trận động đất.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm kiếm người bị thương sau trận động đất.

Tuy nhiên, việc dự báo động đất ở khu vực này nói riêng và trên thế giới là một thách thức.

Đất nước nằm trên những đường đứt gãy

Rạng sáng ngày 6/2, trận động đất mạnh 7,8 độ đã làm rung chuyển miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Syria. Không lâu sau đó, trận động đất thứ 2 mạnh 7,5 độ tiếp tục tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, Syria kéo theo hơn 200 dư chấn, có thể cảm nhận từ nhiều quốc gia lân cận như Syria, Israel và Lebanon.

Trận động đất và các dư chấn đã san phẳng các tòa nhà và hệ thống cơ sở hạ tầng tại hai nước. Tỷ lệ thương vong đã tăng lên hàng chục nghìn người.

Ông David Rothery, nhà địa chất học tại Đại học Mỏ, Vương quốc Anh, phân tích, hầu hết Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng kiến tạo Anatolia, giữa hai mảng kiến tạo lớn là mảng Á - Âu và châu Phi và mảng nhỏ là Arab.

Khi mảng châu Phi và mảng Arab dịch chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ bị ép chặt, còn mảng Á - Âu ngăn quốc gia này dịch chuyển về hướng Bắc. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị đẩy lên nằm trên hai đường đứt gãy lớn là Đông Antolia và Bắc Antolia.

Trong đó, đường đứt gãy Bắc Anatolia có sức phá huỷ mạnh nhất, chạy từ phía Nam Istanbul tới vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đường đứt gãy Bắc Anatolia là nguyên nhân gây ra hầu hết các trận động đất trong nước.

Còn đường đứt gãy Đông Anatolia kéo dài từ phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ tới Địa Trung Hải. Đến Địa Trung Hải, đường đứt gãy rẽ về phía Nam và gặp đầu phía Bắc của hệ thống Tách giãn lớn, phân tách mảng kiến tạo châu Phi và Arab. Với cấu tạo này, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đất nước thường xuyên đối mặt với động đất.

Dù Bắc Anatolia chịu trách nhiệm cho phần Đông động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng dọc theo đường đứt gãy Đông Anatolia cũng đang ghi nhận nhiều xáo trộn. Các nhà nghiên cứu địa chất học cho rằng 3 trận động đất trước đây xảy ra ở khu vực Đông Anatolia vào năm 1513, 1872 và 1893 có thể tích tụ áp suất trên đường đứt gãy và dẫn tới trận động đất ngày 6/2.

Giáo sư Caroline M. Eakin, giảng viên Trường Khoa học Trái đất thuộc Đại học Quốc gia Australia, phân tích: “Rất khó để chắc chắn áp suất trên đường đứt gãy và khả năng nứt vỡ gây ra trận động đất. Tuy nhiên, chúng ta có thể cân nhắc đến lịch sử những trận động đất lớn từng xảy ra dọc theo đường đứt gãy Đông Anatolia”.

Nhìn chung, các đoạn của đường đứt gãy bị vỡ rất lâu về trước. Trong thời gian dài, chúng có thể tích tụ áp suất và vỡ ra lần nữa. Tuy nhiên, thời gian giữa những trận động đất lớn không đều đặn. Chu kỳ gây ra một trận động đất có thể là 100 năm và sau đó là 1.000 năm cho trận tiếp theo. Lần gần nhất đường đứt gãy Đông Anatolia có động đất trên 7 độ là 130 năm.

Trước đó, vào tháng 1/2020, phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ từng phải hứng chịu một trận động đất cường độ 6,7 độ. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, trận động đất này chỉ gây nứt vỡ một phần khu vực nơi mảng kiến tạo không bị đẩy trượt.

Do đó, hoạt động địa chấn xung quanh đường đứt gãy Đông Anatolia có thể đang tăng lên. Mảng kiến tạo thường xuyên dịch chuyển rất chậm, nhưng chúng cũng tương đối tĩnh khi đè ép ở rìa của nhau. Quá trình khiến áp suất giữa hai mảng kiến tạo tích tụ theo thời gian. Một trận động đất sẽ xảy ra khi đường đứt gãy đột ngột trượt hoặc xê dịch do áp lực này.

Không thể dự đoán

Dù giới khoa học nắm tương đối rõ địa chất tại Thổ Nhĩ Kỳ hay ở những khu vực dễ xảy ra động đất nhưng việc dự đoán động đất là một thách thức, bất chấp tiến độ khoa học công nghệ.

Ông Tim Wright, Trung tâm Quan sát và Lập mô hình Động đất, Núi Lửa và Kiến tạo (COMET), Vương quốc Anh, cho biết: “Sẽ không thể đưa ra dự báo động đất trong ngắn hạn. Chúng tôi có thể tính toán những nơi có khả năng xảy ra động đất do dữ liệu sau một trận động đất lớn. Nhưng chúng tôi không thể tính toán chính xác động đất sẽ xảy ra khi nào, mạnh bao nhiêu độ”.

Thậm chí, những cảnh báo sớm về động đất cũng chỉ được phát đi vài giây trước khi động đất xảy ra để làm chậm tàu hoặc mở lối thoát hiểm.

Còn ông Ben van der Plujim, giáo sư địa chất học tại Đại học Michigan, phân tích, động đất thường xảy ra mà không có dấu hiệu trước nên chúng trở thành sự kiện không thể đoán trước được.

Ngoài ra, tương tự như phân tích về quá trình dồn nén áp suất từ trận động đất mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta có thể thấy rằng động đất có xu hướng xảy ra cách nhau những khoảng thời gian dài. Ví dụ, các nhà khoa học có thể dự đoán thời gian diễn ra động đất ở một khu vực trong 200 năm tới dựa trên thang thời gian địa chất, khác với than thời gian của con người.

Dù vậy, con người đã và đang nỗ lực tìm ra những biện pháp có thể cảnh báo hoặc dự đoán động đất sớm để kịp thời chuẩn bị.

Đơn cử, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ShakeAlert giúp phát hiện các trận động đất xảy ra ở California, Oregon và Washington. Thiết bị này sẽ phát đi cảnh báo qua sóng vô tuyến, TV và thiết bị di động trước khoảng vài giây. Dù vậy, đây vẫn là khoảng thời gian tương đối quý giá.

Song song với việc dự báo, những khu vực dễ xảy ra động đất cũng cần đảm bảo cơ sở hạ tầng. Từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết số lượng người bị thương và tử vong tăng cao một phần vì người dân ở trong các công trình rất dễ bị hư hại do rung lắc, không được gia cố và khung bê tông thấp.

Mọi thứ còn tồi tệ hơn ở Syria, nơi hơn 11 năm qua xảy ra xung đột khiến việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng trở nên khó khăn. Theo giáo sư Mustafa Erdik, giảng viên ngành Xây dựng tại Đại học Bogazici, Thổ Nhĩ Kỳ, tại phía Tây Bắc Syria, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất, một số tòa nhà vốn đã bị chiến tranh tàn phá. Chúng được xây dựng lại bằng vật liệu kém chất lượng hoặc “bất kỳ vật liệu nào có sẵn”.

Theo Nature, Newsweek, Yahoo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ