Lịch sử bị thiêu rụi
Sau hỏa hoạn, những tấm ván được làm thủ công do ông David Ford sưu tầm đã bị phá hủy. Hỏa hoạn may mắn không nhấn chìm ngôi nhà ông Ford sinh sống trong biển lửa, nhưng đã thiêu rụi nhà kho nơi ông cất chứa bộ sưu tập. Người đàn ông 62 tuổi chia sẻ, thảm họa đã phá huỷ lịch sử.
Ông David Ford bắt đầu sưu tầm ván lướt sóng cổ từ cuối những năm 1980. Phát hiện của ông không chỉ có được thông qua Internet, những hội chợ giảm giá, mà còn là cả những lần lục lọi thùng rác - nơi ông Ford tìm thấy một chiếc ván lướt từng được sử dụng bởi cựu vô địch thế giới người Australia Damien Hardman.
“Những chiếc ván thời đó được sản xuất bởi những thợ thủ công thực sự lành nghề. Tôi không biết liệu mình sẽ bắt đầu sưu tập lại hay không, nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc lướt sóng. Nó là thứ tôi sùng bái”, ông Ford chia sẻ.
Ngôi nhà của ông Ford, nằm ở Lake Conjola - một thị trấn du lịch nhỏ trên bờ biển phía Đông Nam Australia - nơi nổi tiếng với những hoạt động lướt sóng. Tuy nhiên, thị trấn này là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các vụ cháy rừng khi thảm họa kéo dài nhiều tháng. Hỏa hoạn cũng khiến ít nhất 29 người thiệt mạng, tàn phá đất nông nghiệp và khiến hàng nghìn người Australia rơi vào cảnh vô gia cư.
Ở Lake Conjola, các biển chỉ đường bằng kim loại bị tan chảy, các mái nhà sụp đổ. Những khu rừng rộng lớn chỉ còn lại một màu đen, khi hàng loạt cây bị thiêu rụi hoặc bật gốc.
Ngành du lịch gặp khó khăn
Tại các thị trấn dọc bờ biển phía Đông Nam Australia, những bãi biển thường là nơi hút khách du lịch vào mùa hè cao. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này chỉ có một số người ghé tới. Chia sẻ với Reuters, một số chủ cửa hàng lướt sóng cho biết, thu nhập từ việc kinh doanh của họ đã sụt giảm đáng kể.
Anh Brett Musket (28 tuổi) - chủ cửa hàng lướt sóng ngoài khơi ở thị trấn Moruya, cho biết tác động mà vụ hỏa hoạn mang lại là “một hiện tượng hiếm thấy” khi đáng lẽ, đây là một trong những thời điểm bận rộn nhất của năm.
Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Musket vẫn sẵn sàng tháo dỡ hàng tồn kho của gia đình và đưa chiếc áo len cho một người đàn ông trở thành người vô gia cư sau đám cháy: “Tôi có thể lo lắng về điều đó. Tôi phải làm những gì tôi có thể”, anh Musket khẳng định.
Đối với những người kinh doanh lướt sóng, không có khách du lịch được coi là một tình huống tồi tệ. Tại một bãi biển gần vịnh Batemans, hai người cưỡi qua những ngọn sóng lớn trước khung cảnh ảm đạm khi hàng loạt cây bị cháy rụi và lớp sương mù dày đặc bao quanh.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì giống như vậy trong đời”, họa sĩ Mark Warren (42 tuổi) chia sẻ khi chuẩn bị đi đến bãi biển đầy những mảnh thực vật bị cháy.
Trước bối cảnh này, cơ quan du lịch Australia ước tính, cuộc khủng hoảng cháy rừng đã khiến ngành công nghiệp này thiệt hại gần 1 tỷ đô la Australia (690 triệu USD).
“Về cơ bản, người dân đã tạm ngừng đi du lịch”, ông Simon Westaway - Giám đốc Điều hành của Hội đồng Công nghiệp Du lịch Australia (ATIC), cho biết.
Mặc dù điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trong những ngày gần đây đã khiến một số điểm du lịch mở cửa trở lại sau khi phải sơ tán do hỏa hoạn, hầu hết người dân vẫn cảnh giác cao độ khi đi du lịch.
Du lịch chiếm hơn 3% nền kinh tế 1,95 nghìn tỷ đô la của Australia, với 9 triệu người nước ngoài đến thăm đất nước này hằng năm. Sau hỏa hoạn, có tới 60% trường hợp huỷ đặt phòng, kể cả ở các khu vực không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, không có bất cứ khách du lịch nào tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa cháy rừng.
Hồi đầu tuần, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhấn mạnh rằng, nước này luôn sẵn sàng mở cửa kinh doanh. Mới đây, Bộ trưởng Du lịch Australia Simon Birmingham cho biết sẽ đưa ra những chiến lược nhằm trấn an du khách rằng, nhiều điểm đến du lịch không hề bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.
Không ngừng hy vọng
Văn phòng thời tiết Australia cho biết, nước này sẽ phải đợi đến tháng 3 để có thể có được những cơn mưa đủ lớn, giúp kết thúc những ngày khô hạn kéo theo thảm họa cháy rừng suốt nhiều tháng qua.
Theo thống kê, khoảng 100 đám cháy rừng vẫn đang tiếp tục xảy ra trên bờ biển phía Đông Australia, khiến các nhà chức trách chiến đấu không ngừng để ngăn chặn thảm họa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những vụ hỏa hoạn này sẽ chỉ dừng lại khi mưa kéo dài.
Cục Khí tượng học Australia cho biết, khoảng 50% khả năng là phần lớn khu vực phía Đông nước này sẽ có lượng mưa trung bình từ ngày 1/3 đến ngày 30/5. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng, sẽ cần nhiều lượng mưa hơn để có thể chấm dứt tình trạng hạn hán kéo dài 3 năm qua ở bờ biển phía Đông.
Thông báo này được cho là đã mang lại hy vọng cho các nhân viên cứu hỏa - những người đã lao động không ngừng nghỉ suốt nhiều tháng qua. Sự hỗ trợ từ những cơn mưa được dự kiến chỉ là tạm thời, khi dự báo thời tiết nhận định, thời tiết nắng nóng sẽ trở lại Australia trong những tuần tới.