Tham gia chương trình giáo dục quốc tế trong điều kiện Việt Nam

GD&TĐ - Tại Việt Nam, hiện nay đã có 8 trường quốc tế trên gần 100 trường quốc tế tại Việt Nam tham gia hệ thống đào tạo IB.

Tham gia chương trình giáo dục quốc tế trong điều kiện Việt Nam

Thực tế chương trình GD&ĐT IB tại Việt Nam

The International Baccalaureate® (IB) được thành lập vào năm 1968 tại Geneva (Thụy Sĩ) và được xem như là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận.

Một nhóm các giáo viên tài năng, cải tiến tại Trường Quốc tế Geneva với sự hỗ trợ từ các số trường quốc tế khác đã cho ra đời Chương trình giáo dục IB Diploma dành cho hoc sinh phổ thông trung học.

Khởi nguồn là một chương trình duy nhất cho sinh viên quốc tế chuẩn bị cho việc hòa nhập vào các trường đại học, ngày nay IB đã phát triển thành bốn chương trình cho học sinh tuổi từ 3 đến 19.

Tại Việt Nam, hiện nay đã có 8 trường quốc tế trên gần 100 trường quốc tế tại Việt Nam tham gia hệ thống đào tạo IB.

Tại thành phố Hồ Chí Minh gồm có 6 trường: Trường quốc tế Mỹ, trường quốc tế Úc, trường quốc tế Anh, trường quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (, trường quốc tế Nam Sài Gòn, trường quốc tế khai sáng Sài Gòn.

Còn tại Hà Nội có 2 trường là trường quốc tế Hà Nội, trường quốc tế Liên Hợp Quốc.

Hiện tại các trường tư thục quốc tế tại Việt Nam chủ yếu tham gia chương trình đào tạo IB cấp trung học phổ thông dành cho học sinh tuổi từ 16 đến 19 với mục đích giúp cho học sinh có thể chuyển điểm vào các trường đại học trên thế giới chấp nhận chương trình IB.

Hiện nay, vẫn chưa có các trường công lập nào ở Việt Nam tham gia vào chương trình IB.

Mục đích của việc chọn chương trình IB là học sinh có cơ hội vào các đại học danh tiếng, rút ngắn thời gian học ĐH, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là đào tạo nên những công dân toàn diện, những nhà lãnh đạo tương lai.

Do vậy tham gia chương trình này cũng là “lợi thế cạnh tranh” giữa các trường quốc tế tại Việt Nam.

Tham gia IB trong điều kiện giáo dục Việt Nam

Nhìn chung các trường THPT tại Việt Nam cũng có thể ứng dụng mô hình này nếu được đầu tư thêm kinh phí.

Đối với nền giáo dục toàn diện quốc gia, do mục tiêu của chương trình IB là đào tạo con người có tư duy quốc tế nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho quốc tế cũng như chương trình IB rất tôn trọng văn hóa và rất linh hoạt khi đưa vào áp dụng cho từng nước nên sẽ ít gặp khó khăn khi áp dụng vào bối cảnh và văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, chương trình IB tồn tại ngay trong lòng trường phổ thông nên sẽ dễ dàng để quản lý hơn.

Cũng có thể tận dụng được cơ sở vật chất hiện có của trường phổ thông Việt Nam từ đó sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn thay vì đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.

Đối với đội ngũ giáo viên phổ thông sẽ có cơ hội tham gia các khóa học theo chuẩn quốc tế và có cơ hội ứng dụng những kiến thức mới vào giảng dạy, có cơ hội trao đổi, giao lưu học hỏi với các giáo viên các nước khác trong cộng đồng chương trình IB.

Ngoài ra, họ còn có cơ hội phát triển nghề nghiệp vì chương trình IB luôn có các khóa học đào tạo ngắn hạn cho giáo viên.

Đối với học sinh, đây là việc hòa nhập với nền giáo dục quốc tế ngay từ nhỏ. Các cháu sẽ làm quen với phương pháp giảng dạy hiện đại và có tư duy sáng tạo, dễ được xét tuyển vào các trường theo chuẩn quốc tế cũng như có thể chuyển điểm vào bậc đại học nên vừa tiết kiêm được thời gian cũng như chi phí học tập.

Từ những lợi ích thiết thực đó mở ra một dành cho lộ trình tham gia chương trình đào tạo IB trước tiên là các trường quốc tế còn lại, các trường tư thục dân lập và các trường điểm quốc gia, trường chuyên…để dần dần nâng cao chương trình đào tạo của quốc gia tiếp cận xu thế của thế giới trong 10 năm tới đây.

Làm gì để trở thành thành viên IB

Trường học muốn trở thành thành viên của tổ chức đào tạo IB thế giới phải hoàn thành một quá trình cấp phép.

Trong quá trình này, tổ chức IB sẽ hỗ trợ các trường ứng viên trong việc tìm hiểu về chương trình và cơ cấu tổ chức theo các tiêu chuẩn của chương trình quốc tế IB.

Quá trình thẩm định đánh giá chương trình vừa là một yêu cầu và vừa là một dịch vụ được cung cấp bởi tổ chức IB dành cho các trường trên thế giới nằm trong hệ thống. 

Mục đích quá trình thẩm định đảm bảo các tiêu chuẩn và việc thực hiện của chương trình đang được duy trì tốt và thường xuyên. 

Ngày đánh giá đầu tiên được tính sau 5 năm dành cho chương trình MYP và DP và 4 năm dành cho chương trình tính từ ngày cấp giấy phép. 

Và sau đó việc đánh giá tiếp theo được tính mỗi chu kỳ 5 năm kể từ ngày đánh giá trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ