Thẩm định SGK lớp 1: Phải đảm bảo công bằng cho các bộ sách

GD&TĐ - Chia sẻ xung quanh quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông. 

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản TP Huế. Ảnh: Hữu Cường
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản TP Huế. Ảnh: Hữu Cường

Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được Chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách. 

Công bố các bộ SGK trong tháng 10

*Thưa ông, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị như thế nào cho SGK lớp 1 để triển khai từ năm học 2020 - 2021?

- Sau khi CT GDPT 2018 được ban hành, Bộ GD&ĐT tích cực thực hiện các hoạt động triển khai CT mới. Các tác giả viết SGK cũng đã nghiên cứu CT, cùng với Thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để tham gia biên soạn sách (Thông tư 33). Điều này cho thấy, tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về xã hội hóa biên soạn SGK đã được triển khai trong thực tiễn.

Đến hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT tiếp nhận các bản mẫu SGK. Hiện nay, Bộ đang tiến hành thẩm định 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản để bảo đảm kịp thời áp dụng CT, SGK lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 - 2021. Điều đáng mừng là đã thu hút được nhiều nhà khoa học có uy tín, tham gia biên soạn SGK, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Đánh giá chung nhất đến thời điểm này, các bộ SGK được các tác giả chuẩn bị công phu, có rất nhiều SGK đã tiếp cận hướng hiện đại của quốc tế, đặc biệt như môn Tiếng Anh. Tất nhiên cũng có những bộ sách các tác giả chưa tìm hiểu thật kỹ CT và các quy định tại Thông tư 33 về cấu trúc, quy trình biên soạn SGK. Với những SGK không đạt, tác giả và nhà xuất bản có thể tiếp thu điều chỉnh theo góp ý của hội đồng hoặc biên soạn lại đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới và đề nghị thẩm định lại theo quy định.

Trong tháng 10 này, Bộ GD&ĐT sẽ công bố các bộ SGK để các địa phương và các thầy cô giáo nghiên cứu, chuẩn bị thực hiện CT GDPT mới từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1.

Ông Thái Văn Tài
Ông Thái Văn Tài 

Quy trình chọn SGK chặt chẽ, minh bạch

*Dư luận quan tâm về các thành viên của Hội đồng thẩm định SGK; ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?

- Việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới CT, SGK GDPT đã đưa ra, và mới đây được quy định trong Luật Giáo dục 2019 (Điều 32).

Theo đó, thành phần gồm những nhà khoa học có chuyên môn đầu ngành của môn học, các nhà sư phạm đến từ các khoa của trường sư phạm đại diện cho những nhà phương pháp, những nhà quản lý đang công tác ở các sở, các phòng GD&ĐT, đặc biệt lần này có quy định ít nhất là 1/3 giáo viên (GV) đang trực tiếp giảng dạy môn học. Những quy định về hội đồng thẩm định cho thấy sự đa dạng, đa chiều về thành phần và có sự đánh giá bao quát, toàn diện đối với một bản thảo SGK.

Riêng với lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu cần quan tâm tới yếu tố vùng miền trong lựa chọn GV tham gia thẩm định SGK. Vì vậy, khi thiết kế hội đồng, chúng tôi đã tính đến GV đại diện ở các vùng miền khác nhau, có GV đến từ khu vực trung tâm đô thị, có GV đến từ vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, có những nơi rất khó khăn để các thầy cô khi tham gia vào hội đồng có cái nhìn toàn diện nhất đối với SGK, đặc biệt là SGK lớp 1.

*Trách nhiệm là điều mà mỗi người dân mong muốn, gửi gắm vào Hội đồng thẩm định SGK. Vậy, theo ông, làm thế nào để việc thẩm định SGK đảm bảo khách quan, công bằng, chọn được những bộ sách chất lượng?

- Chúng ta cần phải hiểu được quy trình làm việc của hội đồng thẩm định. Một thành viên được dự kiến mời tham gia vào hội đồng sẽ được tập huấn để tìm hiểu về CT, việc này rất quan trọng, vì CT lần này thay đổi về mục tiêu, mục đích phát triển phẩm chất năng lực của học sinh nên chúng ta sẽ thay từ cách thiết kế mạch nội dung cho đến các phương pháp giảng dạy, từ đấy mới đạt được mục tiêu của CT.

“Những bình luận trong thời gian vừa qua với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cần phải được xem xét nhiều chiều, trong đó có yếu tố lịch sử. Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa CT. Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được CT GDPT 2018, hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách” .

Sau khi được tập huấn sẽ thiết kế thành phần của hội đồng như tôi đã nói ở trên là có đầy đủ các thành phần, trong đó có cả GV. Và khi có bản thảo SGK được gửi đến, thành viên hội đồng sẽ có 15 ngày để đọc độc lập bản thảo. Sau 15 ngày đó, hội đồng sẽ làm việc tập trung, tác giả sẽ được mời đến trong ngày làm việc tập trung đầu tiên để trình bày bản thảo của mình.

Sau khi nghe trao đổi ý tưởng của tác giả, hội đồng có 7 ngày làm việc tập trung để thảo luận trên tinh thần mạch kiến thức theo quy định và những cấu trúc cần đạt, minh chứng cụ thể cho SGK. Dựa trên các tiêu chí đó, hội đồng sẽ bỏ phiếu. Trước khi cống bố kết luận, hội đồng một lần nữa mời tác giả đến để nghe nhận xét, kết luận của hội đồng. Tác giả có quyền trao đổi, thảo luận lại ngay tại đây nếu cần. Trong trường hợp giữa tác giả và hội đồng không thống nhất được, sẽ mời lực lượng độc lập thứ ba.

Tất cả các bước làm việc của hội đồng đều vô cùng khách quan, minh bạch, thể hiện sự dân chủ giữa hội đồng thẩm định và tác giả. Các tác giả hết sức đồng tình với cách làm đó, nhiều tác giả bày tỏ sự cảm ơn hội đồng đã chỉ ra những chỗ cần phải chỉnh sửa trong bộ sách của mình, để khi SGK đến với học sinh sẽ là những bản thảo tốt nhất.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

11 bản thảo SGK không đạt

* Hiện nay, dư luận đang quan tâm tới việc hội đồng thẩm định loại bộ SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?

- Như tôi đã chia sẻ ở trên, đến thời điểm này có 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản trình lên cho Bộ GD&ĐT thẩm định. 5 bộ sách tương ứng với 9 môn học, như vậy có đến 45 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định xem xét thẩm định lần này.

Sách được thẩm định trước hết dựa trên quy định của 2 Thông tư (32, 33). Trong 5 bộ sách với 45 bản thảo, đến thời điểm này có 11 bản thảo SGK không đạt. Đa phần xong vòng 1 các SGK đều đạt ở mức thứ 2 là “đạt nhưng cần phải sửa chữa”. Có 3 mức: “Đạt”; “đạt nhưng cần phải sửa chữa” và “không đạt”. Ở mức “đạt nhưng phải sửa chữa” và “không đạt”, tác giả có quyền chỉnh sửa để thẩm định lại chứ không phải hết cơ hội.

Trong 9 bản thảo được đánh giá không đạt có 2 bản thảo của GS Hồ Ngọc Đại là Tiếng Việt 1 và Toán 1. Với hai bản thảo này, khi hội đồng thẩm định làm việc có nghe tác giả báo cáo và có mời tác giả đến để thông báo kết luận, nếu tác giả có ý kiến thì trao đổi chính thức với hội đồng và với Bộ GD&ĐT về kết luận của hội đồng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, chưa có tác giả nào trong 9 tác giả của các bản thảo được đánh giá không đạt có ý kiến chính thức với hội đồng và với Bộ GD&ĐT.

Những bình luận trong thời gian vừa qua với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cần phải được xem xét nhiều chiều, trong đó có yếu tố lịch sử. Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa CT. Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được CT GDPT 2018, hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách. Và điều quan trọng ở đây là thực hiện đúng luật. Mọi công dân đều phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật.

* Chúng ta đã trải qua 2 lần đổi mới SGK, ông kỳ vọng gì vào lần đổi mới này?

- Với tư cách là một nhà giáo được trải nghiệm trong CT trước đây và CT hiện hành, tôi cho rằng, lần đổi mới này là cơ hội rất quý, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành Giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT.

Chúng ta đang hướng đến công dân toàn cầu, vì vậy cần những cách tiếp cận làm sao để thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam hòa nhập tốt và hòa nhập sâu vào nền kinh tế của thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi trong một giai đoạn cụ thể, mỗi giai đoạn có vòng đời riêng, sinh ra, trưởng thành, rồi đến một lúc nào đó lại phải thay đổi.

Khi tiến hành triển khai cho một giai đoạn mới những bước đầu tiên luôn luôn khó khăn, chúng ta phải cố gắng vượt qua để hướng tới sự trưởng thành, hoàn thiện cho giai đoạn sau. Tôi rất mong tất cả lực lượng xã hội sẽ cùng với ngành Giáo dục để vượt qua giai đoạn đầu nhiều khó khăn này.

CT mới, mục tiêu mới nhưng đội ngũ GV chúng ta cũ, cơ sở vật chất cũng chưa được đổi mới nhiều, hơn lúc nào hết giai đoạn này chúng tôi rất mong sẽ nhận được những lời động viên, những lời chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm để chúng tôi tin hơn, nỗ lực hơn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp này.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ