Ngày 10/1, lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) đã đến thăm, viếng, tặng quà cho các nhân chứng từng sinh sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa – Việt Nam trước ngày 19/1/1974.
Theo đó, UBND huyện Hoàng Sa đã đến thăm hỏi sức khỏe, thắp hương 17 gia đình nhân chứng tại TP. Đà Nẵng và 6 gia đình nhân chứng khác tại tỉnh Quảng Nam.
Đến thăm ông Trần Văn Sơn (SN 1947, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), người nhận nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng biên cương quần đảo Hoàng Sa. Ông Sơn cho biết, chỉ trong 3 tháng nhưng ông phải mất đến gần 50 năm để nhớ nhung, để dằn vặt. Ông nghĩ, mình đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa trước kẻ địch.
Đã gần 50 năm trôi qua nhưng ông Sơn vẫn còn nhớ cảm giác đứng trên thuyền trở lại đất liền, nhìn quần đảo đã bị chiếm, bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, ông đau xót, bất lực.
“Hoàng Sa đối với tôi là cảm giác vừa thân thương vừa đau đớn. Tôi được lịch sử giao sứ mệnh bảo Hoàng Sa nhưng tôi đã không hoàn thành. Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo này của chúng ta, đó là điều không thể chối cãi”, ông Sơn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Cúc (SN 1952, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn đau đáu hai tiếng Hoàng Sa cho đến bây giờ. Ông Cúc là một trong những người bị Trung Quốc bắt giữ sau khi quân đội nước này cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa.
“Chúng tôi bị bắt còn có cơ hội để trở về. Nhưng Hoàng Sa thì đã mất. Đây là điều khiến tôi day dứt cho đến bây giờ. Con cháu chúng ta phải luôn nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam”, ông Cúc nhấn mạnh.
Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) cho biết, hoạt động thăm, viếng, tặng quà cho các nhân chứng từng sinh sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974 nhằm tri ân những bậc cha ông đã bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ không quên Hoàng Sa là một phần máu thịt chưa về với đất mẹ Việt Nam. Họ là minh chứng quý giá để khẳng định chủ quyền của nước ta về quần đảo này.