Thảm án hôn nhân hợp đồng ở Indonesia

GD&TĐ - Tháng 11/2021, Indonesia chấn động vì tin tức từ đảo Java đưa tới. Sarah (21 tuổi) mới thực hiện nikah siri (hôn nhân hợp đồng) được 6 tuần, đã bị chồng bạo hành, đổ acid đầy người và qua đời. 

Nikah siri là thỏa thuận sống chung bằng tiền, ngoài sự bảo vệ và công nhận của pháp luật Indonesia.
Nikah siri là thỏa thuận sống chung bằng tiền, ngoài sự bảo vệ và công nhận của pháp luật Indonesia.

Tháng 11/2021, Indonesia chấn động vì tin tức từ đảo Java đưa tới. Sarah (21 tuổi) mới thực hiện nikah siri (hôn nhân hợp đồng, ngoài sự công nhận của pháp luật) được 6 tuần, đã bị chồng - Abdul Latif (48 tuổi) bạo hành, đổ acid đầy người và qua đời. 

Nikah siri

Sarah người làng Munjul, Cianjur, Tây Java. Cô gặp mặt Abdul Latif (Ả Rập) lần đầu tiên ngay tại nhà mình, khi Latif cùng đồng nghiệp đến chào hỏi mẹ cô (48 tuổi) vì công chuyện. Họ thăm dò về tình hình của người lao động ở Indonesia.

Trong lúc 3 người họ đang nói chuyện, Sarah cần đi vệ sinh nên đã rời phòng riêng, bước ngang qua phòng khách. Vừa trông thấy cô, Latif xiêu đổ và hỏi thăm tên tuổi ngay. Mẹ Sarah cho biết, cô là con gái đầu lòng.

Không lâu sau, Latif ghé nhà Sarah cầu hôn. Sarah từ chối với lý do chưa có tình cảm. Dù bị từ chối đến 4 lần, Latif không bỏ cuộc, liên tục tới nhà chơi, tặng quà cáp. Một hôm, anh ta gọi điện cho Sarah, nói muốn trao cho cô bất ngờ và mời đến một nơi.

Sarah bị dụ dỗ, đi đến địa điểm Latif đề nghị. Tại đây, cô đột ngột phải diện kiến người nhà Latif và giáo chủ tôn giáo mà Latif đang theo. Vị này khẳng định với Sarah, Latif xứng đáng làm chồng cô. Không rõ nội dung cuộc thuyết phục như thế nào, nhưng Sarah đã đồng ý nikah siri.

Nikah siri là hình thức hôn nhân hợp đồng được thực hiện theo tục lệ địa phương Java. Nó là thỏa thuận sống chung tạm thời giữa đàn ông và phụ nữ, trong một khoảng thời gian nhất định và giao kết bằng tiền. Các nhà văn hóa Indonesia cho biết, đây là kiểu chung sống hợp lý hóa quan hệ tình dục trước hôn nhân chính thức. Nó đã bắt đầu ở Java từ khoảng cuối thập niên 1980.

Pháp luật Indonesia không công nhận nikah siri. Họ vừa cấm kiểu hôn nhân mua bán này, vừa nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân, kỳ vọng sớm xóa sổ nó khỏi đời sống xã hội.

Thảm án

Hiện trường án mạng Sarah (21 tuổi), Tây Java, Indonesia.
Hiện trường án mạng Sarah (21 tuổi), Tây Java, Indonesia.

Nikah siri của Sarah là 150 triệu rupiah (khoảng 240 triệu đồng) tiền sính lễ trao ngay và giấy cam đoan sẽ đưa tiếp 1 tỷ rupiah (gần 1,6 tỷ đồng), nếu “chú rể” không giữ lời thì hợp đồng tự hủy. Chỉ 6 tuần sau ngày Sarah theo Latif về chung một nhà, cô được phát hiện nằm gục trên hiên. Latif đã ép Sarah uống rượu, sau đó tra tấn tàn bạo và đổ acid lên người cô ướt đẫm như tắm.

Bất chấp nỗ lực cấp cứu của bệnh viện, Sarah trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn. Toàn bộ thân thể cô phồng rộp, nứt nát, khiến những người chứng kiến thương tâm rơi nước mắt không ngừng. “Con bé ngoan lắm, chưa bao giờ làm chuyện gì hỗn hào”, mẹ Sarah nức nở. Khi tử vong, Sarah chỉ mới bước sang tuổi 21 được 3 tuần.

Latif bị bắt giam ngay lập tức. Tin tức thảm án nikah siri ở Tây Java xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo, truyền hình Indonesia. Nó tạo nên làn sóng phản đối hôn nhân hợp đồng kịch liệt, gây áp lực đòi cơ quan pháp luật phải có hành động bảo vệ những phụ nữ đang là nạn nhân của nikah siri.

Chưa quy định trừng phạt

Hôn nhân hợp đồng đẩy chị em Indonesia vào rủi ro bị bạo hành suốt thời gian sống chung.
Hôn nhân hợp đồng đẩy chị em Indonesia vào rủi ro bị bạo hành suốt thời gian sống chung.

Tháng 7/2021, trước án mạng Sarah chỉ 3 tháng, Indonesia đã ban hành lệnh cấm nikah siri trên toàn quốc. Theo phân tích từ hệ thống lập pháp, hôn nhân hợp đồng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho phụ nữ, vì nó được thực hiện trên cơ sở bán – mua, tước đoạt nữ quyền.

Chính quyền Cianjur cũng đồng tình và chấp hành nghiêm chỉnh quy định cấm nikah siri. Họ nhấn mạnh: “Nikah siri rất bất lợi cho xã hội, đặc biệt là đối với phụ nữ và luật Hồi giáo”. Có điều, lệnh cấm nikah siri không đi kèm các biện pháp trừng phạt. Nói cách khác, nó chỉ mới mang tính chất lời kêu gọi, cảnh tỉnh.

Ngay sau vụ án Sarah, Cianjur tái kích hoạt lời kêu gọi chấm dứt nikah siri. Họ thành lập một tổ đặc nhiệm, bí mật truy lùng các trường hợp hôn nhân hợp đồng. “Mọi người luôn nói, ngày nay làm gì còn nikah siri. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nó vẫn tồn tại”, Mdm Rina Mardiah – thành viên tổ đặc biệt, cho biết.

Cũng theo Mardiah, nhóm của cô đã đột kích 3 địa điểm, tận mắt thấy 1 nạn nhân, 1 thủ phạm và 1 tay dắt mối, nhưng vì không có thẩm quyền bắt giữ nên đành phải để họ đi. “Nikah siri đâu có khác gì buôn bán phụ nữ”, Mardiah bức xúc. Cô thiết tha mong mỏi cơ quan lập pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Hiện, Java có ít nhất 3 điểm nóng nikah siri: Cipanas, Pacet và Sukaresmi. “Nhiều phụ nữ bị tiền nikah siri dụ dỗ, trở thành nạn nhân của mối quan hệ bất bình đẳng, thường xuyên bị bạo lực”, Herman Suherman - quan chức Cianjur thừa nhận hiện thực.

Gạt đi khía cạnh tiền bạc, nikah siri chỉ là một kiểu sống chung trước hôn nhân. Nếu giữa đàn ông và phụ nữ trong mối quan hệ này không có lạm dụng, bóc lột tình dục… nó không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, vì ngoài sự công nhận và bảo vệ của pháp luật, nó vẫn gây rắc rối một khi gặp sự cố cần đến luật pháp xét xử, ví dụ như tranh chấp quyền nuôi con.

Dù nhìn nhận khách quan hay chủ quan, Indonesia vẫn đưa ra phán quyết cuối cùng là nên ngăn chặn, xóa bỏ nikah siri. “Cách hiệu quả, ít tốn kém và bảo đảm nhất là đưa nikah siri vào chương trình giáo dục cảnh giác trong nhà trường”, Mdm Rahmawati - giảng viên Đại học Indonesia đề xuất. Chỉ với tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường thì mới có thể thay đổi nhận thức của giới trẻ, triệt để đánh bay hủ tục.

Theo Channelnewsasia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian