Thái Thụy (Thái Bình) có những mô hình giáo dục phát huy hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đào tạo huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã có những bước chuyển biến căn bản, toàn diện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm việc với lãnh đạo huyện Thái Thụy.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm việc với lãnh đạo huyện Thái Thụy.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Sáng 13/10, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã làm việc, khảo sát thực tế tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Đoàn Hữu Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Thái Thụy cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn huyện Thái Thụy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch về học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn đảng bộ huyện; tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt nội dung Nghị quyết tới 100% cán bộ chủ chốt và cán bộ công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện.

Định kỳ hàng năm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành xây dựng các văn bản để thực hiện hiệu quả nội dung đổi mới phương pháp quản lý, dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, đào tạo; xây dựng nền nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm trong trường học.

Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc.

Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc.

Cùng với đó, Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29. Quá trình triển khai Nghị quyết số 29 đã làm thay đổi nhận thức về mục tiêu giáo dục và đào tạo, nội dung, phương pháp quản lý giáo dục, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc đầu tư các nguồn lực cho giáo dục.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, cấp uỷ, chính quyền và Ngành GD&ĐT huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Quy mô số lớp, số học sinh phát triển ổn định (riêng cấp Tiểu học tăng 11 lớp với gần 2700 học sinh); duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện: xóa mù chữ mức độ 2, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện được duy trì ổn định và tăng dần qua các năm. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở duy trì trên 99%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, giáo dục STEM, khoa học kỹ thuật, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ. Các hoạt động giáo dục pháp luật, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được quan tâm thực hiện.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thuỵ trong ngày khai giảng năm học mới.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thuỵ trong ngày khai giảng năm học mới.

Những ý kiến đề xuất

Bên cạnh kết quả tích cực, lãnh đạo huyện cũng nhận định một số khó khăn, vướng mắc như: Việc thực hiện quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” trong thực tiễn có nơi, có lúc chưa hiệu quả. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu, chính sách đãi ngộ. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên theo cơ cấu môn cấp Tiểu học, THCS giữa các trường chưa được giải quyết dứt điểm. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một số giáo viên, CBQL chưa tích tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT 2018.

Chương trình GDPT 2018 đã triển khai thực hiện 3 năm học nhưng việc đầu tư thiết bị dạy học chưa đáp ứng; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018, tiến độ hoàn thiện tiêu chí trường chuẩn Quốc gia còn chậm.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh và phát triển đảng viên trong cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong quản lý học sinh, bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện thiếu chặt chẽ.

Ông Đỗ Trường Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Đỗ Trường Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ phát biểu tại buổi làm việc.

Do đó, lãnh đạo huyện đề xuất tiếp tục tăng cường đầu tư ngân sách cho giáo dục và đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học; sớm nghiên cứu, ban hành Luật nhà giáo riêng để có những quy định đặc thù đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.

Ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức và hoạt động đối với trường liên cấp như: Văn bản xác định hạng trường liên cấp; văn bản tính phụ cấp chức vụ cho cán bộ quản lý trường liên cấp; văn bản tính phụ cấp cho giáo viên dạy ở cả 2 cấp học. Phối hợp với các ngành chức năng, quy định cụ thể định mức biên chế giáo viên, định mức biên chế tối thiểu của nhân viên hỗ trợ phục vụ trong các nhà trường theo Chương trình GDPT 2018.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo huyện Thái Thuỵ, đại diện các nhà trường đã cùng trao đổi để tìm hiểu những khó khăn vướng mắc, đề xuất những kiến nghị, giải pháp.

Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của huyện Thái Thụy trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Huyện Thái Thuỵ đã triển khai sớm, hiệu quả Nghị quyết 29, đã có những mô hình giáo dục phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng cũng lưu ý huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tinh thần của Nghị quyết 29, cụ thể hoá các mục tiêu của Nghị quyết, bổ sung những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đổi mới phương pháp dạy học, chuẩn hoá các điều kiện dạy học, quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường kiểm tra giám sát, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.