Thai nhi "chạy lạc" từ tử cung ra ổ bụng

Từng 2 lần chửa ngoài tử cung, cắt hai vòi trứng, chị Như (35 tuổi, Thái Nguyên) phải làm thụ tinh nhân tạo bơm phôi thai vào tử cung. Không lâu sau bào thai lại “chạy ra khỏi tử cung” làm tổ trong ổ bụng.

Thai nhi "chạy lạc" từ tử cung ra ổ bụng

Năm 2005 và 2010 chị Như lần lượt cắt bỏ hai vòi tử trứng do chửa ngoài tử cung. Vẫn khao khát có con nên ngày 30/5 chị đã được thụ tinh ống nghiệm thành công. 

Chỉ số xét nghiệm trong máu cho thấy chị đã có bầu, song khi siêu âm các bác sĩ không tìm thấy thai trong tử cung. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy thai làm tổ trong ổ bụng sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận. Đây là vị trí nguy hiểm cho thai phụ nếu không can thiệp sớm.

sp11-9426-1436609267.jpg

Tiến sĩ Vũ Bá Quyết thăm hỏi bệnh nhân sau ca mổ. Ảnh: Hà An.

Bác sĩ Nguyễn Bá Phê, Phó trưởng Khoa phụ ngoại cho biết, hình ảnh chụp MRI cho thấy thai 8 tuần, kích thước khoảng 2 cm nhưng không hiểu vì sao lại nằm ở vị trí sau phúc mạc.

Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trường hợp thai chửa ngoài tử cung như trên vô cùng hy hữu. Hơn 30 năm làm chuyên ngành sản, ông mới gặp ca này là ca thứ ba. Tuy nhiên, trường hợp này nguy hiểm hơn vì thai bám sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận tức sát với nhiều mạch máu.

Theo tiến sĩ Quyết, thai bám tổ sau phúc mạc, rau thai có tính chất đâm xuyên, thai ngày càng lớn, rau thai sẽ ngày càng phát triển bám rộng vào các mạch máu, gây tổn thương mạch máu. Nếu mổ lấy thai thì rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu ồ ạt. Ngày 8/7, thai phụ được mổ nội soi lấy khối thai.

 Đây là ca mổ phức tạp vì khối thai không nhỏ, lại nằm sát mạch máu nếu không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, dậy tập đi và ăn uống bình thường.

Chửa ngoài tử cung không phải là một bệnh quá hiếm gặp. Đây là hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển tới đó. 

Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như vòi trứng (phổ biến nhất, chiếm 90%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí trong ổ bụng. Tuy vậy, thai trong ổ bụng thì rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1,4% trong các trường hợp chửa ngoài tử cung.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ