Thái Nguyên thêm chính sách an sinh đối với lĩnh vực GD&ĐT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non công lập được xem là một chủ trương lớn, có ý nghĩa với nhân dân trên địa bàn.

Thái Nguyên thêm chính sách an sinh đối với lĩnh vực GD&ĐT.
Thái Nguyên thêm chính sách an sinh đối với lĩnh vực GD&ĐT.

Hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non công lập

Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có đề xuất đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí và chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Thái Nguyên quản lý năm học 2024 - 2025.

Theo đề xuất của UBND tỉnh, trẻ em mầm non đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ được hưởng hỗ trợ 100% học phí theo các mức thu đã được quy định. Cụ thể, trẻ nhà trẻ tại các thành phố là 140.000 đồng/tháng/học sinh; tại các thị trấn trung tâm các huyện, các xã, thị trấn không phải xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 75.000 đồng/tháng/học sinh; các khu vực khác là 40.000 đồng/tháng/học sinh.

Trẻ mẫu giáo tại các thành phố là 110.000 đồng/tháng/học sinh; tại các thị trấn trung tâm các huyện, các xã, thị trấn không phải xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 đồng/tháng/học sinh; ở các xã, thị trấn còn lại 25.000 đồng/tháng/học sinh. Đối với đối tượng thuộc diện giảm học phí, sẽ hỗ trợ phần học phí phải nộp sau khi đã trừ đi số được giảm theo quy định. Về thời gian hỗ trợ, trẻ mầm non sẽ được hỗ trợ theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục, nhưng tối đa không quá 9 tháng/1 năm học; thời gian thực hiện trong năm học 2024 - 2025.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, dự kiến khi Nghị quyết này được HĐND tỉnh thông qua, năm học tới đây toàn tỉnh sẽ có gần 80.000 trẻ em mầm non không phải đóng học phí, với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 40 tỷ đồng.

Khi Nghị quyết này được HĐND tỉnh thông qua, năm học tới đây toàn tỉnh sẽ có gần 80.000 trẻ em mầm non không phải đóng học phí.

Khi Nghị quyết này được HĐND tỉnh thông qua, năm học tới đây toàn tỉnh sẽ có gần 80.000 trẻ em mầm non không phải đóng học phí.

Trường Mầm non Thần Sa, huyện Võ Nhai hiện có 10 lớp, nhóm lớp với gần 150 trẻ, đang học tại 5 điểm trường 10 lớp, nhóm lớp. Toàn trường có đến trên 95% học sinh là người dân tộc thiểu số. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đóng học phí, hỗ trợ chi phí học tập và ăn trưa, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế kinh tế khó khăn, cần được hỗ trợ để đưa con đến trường.

Vì vậy, việc UBND tỉnh đề xuất đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã giúp các phụ huynh tháo gỡ khó khăn và tăng tỷ lệ đưa trẻ đến trường.

Chị Lê Thị Thảo, xóm Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Tôi có con đang học tại trường mầm non Thần Sa, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua khi con đi học đã được nhận hỗ trợ về chi phí học tập, tiền ăn trưa.

Mới đây, trên báo đài và các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non công lập, tôi lại càng cảm thấy yên tâm và vô cùng biết ơn. Bởi khi chính sách này được triển khai sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa như chúng tôi.

Quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục

Cùng với việc ban hành một loạt các chính sách, chủ trương về hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục, hay hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non thì việc UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh năm học 2024 – 2025 sẽ góp phần tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ và trẻ mầm non ra lớp, đồng thời từng bước hoàn thành các chỉ tiêu của cấp học mầm non trong Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.

Cô Hầu Thị Chỉnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên chia sẻ: Đối với học sinh khi được hỗ trợ phụ huynh yên tâm gửi con đến trường đến lớp, nhờ đó góp phần tăng tỷ lệ chuyên cần cho học sinh, giáo viên cũng không cần phải vất vả khi vận động trẻ ra lớp.

Việc hỗ trợ học phí đối với bậc học mầm non thể hiện quyết tâm lớn của cả chính trị và chính sách nhân văn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên.

Việc hỗ trợ học phí đối với bậc học mầm non thể hiện quyết tâm lớn của cả chính trị và chính sách nhân văn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên.

Đồng quan điểm với cô Hầu Thị Chỉnh, cô Nguyễn Lê Thu, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Sen, huyện Đại Từ cho biết: Chính sách đưa ra thời điểm này là rất hợp lý, giúp cho các bậc phụ huynh có thêm động lực, yên tâm gửi con đến trường. Nhà trường hy vọng trong năm học tới, chính sách sẽ được thông qua.

Trong bối cảnh tỉnh Thái Nguyên vừa mới bảo đảm tự cân đối thu chi (trong năm 2023), việc hỗ trợ học phí đối với bậc học mầm non thể hiện quyết tâm lớn của cả chính trị và chính sách nhân văn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong việc chia sẻ khó khăn với người dân, cùng chăm lo và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Dự kiến nội dung này cũng sẽ được thảo luận, quyết nghị tại Kỳ họp thứ Mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 6.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Đây là Nghị quyết có tính nhân văn sâu sắc, có tác động đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn của người dân của cấp ủy, chính quyền tỉnh mà cụ thể là các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Chính sách này cũng thể hiện sự quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ