Tại chương trình, các thầy cô giáo tổ bộ môn Vật lý - Tin học - Công nghệ đã tổ chức cho các em học sinh báo cáo kết quả và giới thiệu sản phẩm là những chiếc xích đu tự thiết kế, chế tạo.
Các nhóm học sinh đã thuyết trình về quá trình lên ý tưởng, xây dựng mô hình, tính toán thiết kế, triển khai thực hiện đối với 4 nhóm sản phẩm xích đu đã được hoàn thành. Các nhóm đã có những trao đổi, thảo luận để cùng làm rõ hơn các vấn đề cụ thể trong quá trình hoàn thành sản phẩm.
Các chuyên gia là giảng viên đến từ trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên) và các thầy cô giáo trong nhà trường cũng đã có những trao đổi, góp ý cụ thể về các vấn đề như vật liệu, công năng, thông số kỹ thuật, tính thẩm mỹ…, qua đó giúp các em rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để điều chỉnh, hoàn thiện.
“Chúng em rất hứng thú với trải nghiệm này khi được vận dụng những kiến thức đã học để cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu, tự thiết kế và chế tạo ra những chiếc xích đu an toàn, xinh xắn. Thật vui khi sản phẩm của mình được ra hoàn thành, được bày trí ở sân trường để các bạn cùng sử dụng, vui chơi” - em Mai Ngọc Đoàn, một thành viên nhóm thực hiện đề tài đã hào hứng chia sẻ.
Thầy giáo Phan Vũ Hào, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Những hoạt động dạy học STEM không chỉ đem lại cho học trò kiến thức, kỹ năng, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, mà còn giúp các em được phát triển tư suy, sáng tạo. Việc học trò làm được xích đu là rất ý nghĩa và thiết thực, bởi các em không chỉ được trải nghiệm thực hành, mà còn được sử dụng chính sản phẩm của mình ngay trong khuôn viên nhà trường”.
Trong những năm học gần đây, dạy học STEM cũng là một nội dung được Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các nhà trường quan tâm, đẩy mạnh, nhằm đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học.