Những con số ấn tượng
Với vị trí địa lý "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển kinh tế, xã hội, sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ hàng đầu khu vực phía Bắc.
Năm 2021 đã khép lại, với những kết quả nổi bật tạo sức lan tỏa sâu rộng đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Cụ thể, bằng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND và sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của chính quyền các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân trong việc thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”; vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu đạt mức tăng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước. Đáng chú ý trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid -19 nhưng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,51% so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước.
Cơ cấu kinh tế năm 2021 chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản. Cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 58,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,8%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,5%.
GRDP bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước.
“Miền đất hứa" trong thu hút đầu tư
Sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ cùng với hạ tầng đồng bộ đã giúp Thái Nguyên quy tụ được nhiều Tập đoàn, nhà đầu tư lớn như: SAMSUNG, MASAN Group, FLC, Tân Hoàng Minh, SAIGONTEL, TMS, TNG, VinGroup, T&T Group, Flamingo Holding Group… Qua đó, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI.
Tính đến ngày 25/12/2021, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 31 dự án (trong đó, 15 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký là 230,53 triệu USD, 01 dự án đang đề xuất đầu tư với số vốn tăng thêm là 920 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 170 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký và đề xuất đầu tư đăng ký đạt trên 9,67 tỷ USD.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 12/5/2021 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương có cam kết tiến độ giải ngân đối với từng dự án, đảm bảo đến hết năm 2021 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Chính vì vậy, đến hết ngày 28/12/2021, tổng số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 3.606,8 tỷ đồng; Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết 28/12/2021 là 5.170,2 tỷ đồng, đạt 143,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Dự báo trong thời gian tới, sức hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tận dụng cơ hội bứt phá
Theo Ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những kết quả đạt được của năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo động lực để Thái Nguyên vững tin bước vào thực hiện các nhiệm vụ năm mới.
Trong năm 2022, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đặc biệt hạ tầng giao thông, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ưu tiên hạ tầng kết nối liên kết vùng để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào tỉnh.
Thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung của quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021 – 2025 và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phía nam của tỉnh, trọng tâm là các dự án có tính liên kết, kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, kết quả về chuyển đổi số ở trên cả 3 trụ cột "Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số" đã có nhiều thay đổi và đạt được những thành quả nhất định, góp phần tạo niềm tin để tỉnh Thái Nguyên vững bước trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động sáng tạo của nhân dân, Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, khẳng định vị thế, uy tín, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.