Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về học nghề, việc làm vẫn được cho là một thách thức lớn.
Gần 6,4 triệu lượt thanh niên được tiếp cận nghề nghiệp, việc làm
Báo cáo tổng kết 6 năm triển khai đề án cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, 100% các tỉnh, thành đoàn đã tổ chức, phổ biến việc thực hiện Đề án đến các cơ sở Đoàn. Đồng thời, tham mưu thành lập Ban điều hành Đề án 103.
Ban điều hành đã hỗ trợ kinh phí cho 35 mô hình hoạt động truyềnthông về nghề nghiệp, việc làm tại Yên Bái, Tuyên Quang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kiên Giang, TPHCM, Nghệ An, Quảng Nam…; chỉ đạo tổ chức Hành trình “Tư vấn hướng nghiệp” tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, miền Trung; hỗ trợ kinh phí thực hiện 30 điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho thanh niên nông thôn tại 26 tỉnh, thành;
Hỗ trợ kinh phí tổ chức 46 Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm” đối với thanh niên tại các địa phương, trong đó có thanh niên nông thôn, thanh niên tại các huyện nghèo, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất... Các hoạt động hỗ trợ này đã giúp cho hàng triệu lượt thanh niên, học sinh, bộ đội xuất ngũ, thanh niên khuyết tật, có cơ hội tiếp cận học nghề, việc làm.
Các hoạt động của Thành Đoàn các địa phương triển khai trong lĩnh vực nghề nghiệp, việc làm, lập nghiệp cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều hoạt động có nội dung cụ thể như: Ngày hội việc làm, ngày hội tư vấn vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, “Hành tình đến với trường nghề, làng nghề”, “Tư vấn mùa thi”, “Tư vấn hướng nghiệp”... Từ năm 2009 - 2014, gần 6,4 triệu lượt thanh niên đã được tư vấn, truyền thông về nghề nghiệp, việc làm, đạt tỷ lệ bình quân 1,28 triệu người/năm.
90% học sinh không chọn học nghề
Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án 103 cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như: Hoạt động truyền thông về nghề nghiệp, việc làm tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng thiếu những điểm nhấn quan trọng, trong đó có hoạt động, sản phẩm truyền thông. Đối tượng trọng tâm còn thiếu thống nhất và đồng bộ trong triển khai từ Trung ương đến địa phương. Một số hoạt động, sản phẩm truyền thông do không đảm bảo được kinh phí thực hiện nên phải kết thúc sớm.
Đối với hoạt động truyền thông hướng nghiệp, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, một khảo sát mới đây cho thấy có đến trên 90% học sinh được hỏi sẽ tiếp tục thi lên THPT mà không lựa chọn học hệ giáo dục chuyên nghiệp. Tương tự, có khoảng 90% học sinh THPT khi được hỏi trả lời sẽ thi vào đại học, cao đẳng mà không chọn học nghề. Điều này cho thấy việc tư vấn hướng nghiệp nhằm đẩy mạnh phân luồng ngay từ trường phổ thông còn rất nhiều thách thức.
Vì vậy, Trung ương Đoàn cùng các tỉnh, thành đoàn cần xác định hoạt động tư vấn hướng nghiệp, việc làm là hết sức cần thiết và chọn làm nội dung triển khai trong Đề án 103 ở giai đoạn tới. Việc cùng phối hợp giữa Đoàn thanh niên với các trường học trong công tác tổ chức tư vấn nghề nghiệp sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức về việc làm, học nghề.
Tới đây, khi triển khai Đề án 103 giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh, Thành đoàn các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình phối hợp liên tịch với các Ban, ngành của địa phương như Sở LĐ, TB&XH, ngân hàng chính sách, Sở NN&PTNT, Liên minh Hợp tác xã... cùng thực hiện hoạt động tư vấn trực tiếp đến cụm xã, thôn, bản. Chú trọng mở rộng thêm đối tượng là thanh niên nông thôn, hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ... Đẩy mạnh việc khai thác các nguồn lực xã hội để đảm bảo chất lượng nội dung hoạt động cụ thể của Đề án.