Thách thức thoát bẫy thu nhập trung bình

GD&TĐ -Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội.

Kỹ năng mềm cho người lao động là cần thiết để nâng cao thu nhập.
Kỹ năng mềm cho người lao động là cần thiết để nâng cao thu nhập.

Lan toả giá trị kỹ năng nghề nghiệp

Tôn vinh giá trị của ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, ở những quốc gia có năng suất lao động cao, lực lượng lao động cần phải có kỹ năng nghề cao và thái độ, động lực làm việc tích cực.

Ngày nay, kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu. Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng. Vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, trong mọi thời kỳ, nhà giáo luôn đóng một vai trò và sứ mệnh cao cả. Chính vì vậy, việc tổ chức những ngày hội để tôn vinh đội ngũ giảng dạy là vô cùng quan trọng, đúng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Việt Nam.

Cùng với đội ngũ giảng dạy, việc tuyên dương kịp thời những tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu cũng là công tác quan trọng để truyền cảm hứng. Đồng thời, tạo sức lan tỏa trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng 54 cán bộ, giáo viên và 100 học sinh, sinh viên tiêu biểu. Họ là đại diện cho 130 nghìn nhà giáo, cán bộ quản lý và 3 triệu học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, trong nhiều năm qua, các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung luôn ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt để đóng góp vào sự nghiệp dạy chữ, dạy nghề.

Những gương điển hình trong dạy nghề

Trong những thầy cô giáo dạy nghề được tuyên dương có nhà giáo, nhà khoa học trẻ tiêu biểu, Thạc sĩ Y khoa Lê Hoàng Ân (Phó Trưởng khoa Y học cộng đồng và Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Y tế An Giang). Thầy Ân đã có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp giảng dạy.

Đối với thầy giáo Lê Hoàng Ân, người thầy thuốc làm nghề giáo sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn lao nhưng cũng đầy nhân văn. Giảng đường không chỉ là bảng đen, phấn trắng mà còn chính là bệnh viện, là phòng bệnh nhân hay phòng cấp cứu.

Trải qua thời gian hơn 16 năm giảng dạy trong môi trường giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo Lê Hoàng Ân (SN 1986) luôn nỗ lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hăng hái công tác Đoàn, công tác Đảng. Thầy giáo này cũng tự nghiên cứu khoa học và thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong giới trẻ. Ông luôn là người truyền “lửa”, truyền cảm hứng và đam mê cho sinh viên.

Đặc biệt, Thạc sĩ Y khoa Lê Hoàng Ân đã tham gia và làm chủ nhiệm 6 đề tài nghiên cứu khoa học. Đồng thời thực hiện nghiên cứu khoa học với đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa liên tục từ năm 2015 - 2020, được Hội đồng Khoa học - Kỹ thuật của Trường Cao đẳng Y tế An Giang thông qua.

Chia sẻ về quá trình phấn đấu, thầy Ân cho biết, bí quyết làm nên sự thành công không gì ngoài sự chăm chỉ học tập và làm việc liên tục. Bên cạnh đó, trong các hoạt động phải xông pha, dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất ý tưởng và chịu trách nhiệm với từng việc làm, hoạt động của mình. Điều quan trọng trong công tác là luôn nghĩ về cái chung, lợi ích của tập thể, tạo hạt nhân đoàn kết để có được sức mạnh chung.

Do đó, trong chuyên ngành Y, thầy Ân dự định thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh An Giang. Đồng thời hỗ trợ các bạn sinh viên, thầy thuốc trẻ nghiên cứu khoa học, giúp đỡ các nhà giáo trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, góp mặt ở các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, hội giảng cấp cơ sở, cấp tỉnh. Cùng với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh An Giang triển khai trong BCH Hội và Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ các huyện, thị, thành phố về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Thông qua đó, từng hội viên sẽ tuyên truyền để người dân hiểu thêm về các chủ trương của Đảng trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo hiểm y tế, phòng bệnh… và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Cụ thể như dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch cúm A H5N1, dịch tả lợn châu Phi…

Còn với giảng viên Bùi Phước Khánh (Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung), bí quyết thành công trong công tác giảng dạy chính là luôn hướng đến phương châm: Muốn đào tạo được nguồn nhân lực giỏi thì bản thân người thầy phải giỏi. Trên cơ sở đó, thầy Khánh luôn tâm huyết với công tác giảng dạy, cố gắng trau dồi về kiến thức. Đặc biệt luôn cập nhật về các quy trình vận hành, cũng như máy móc, thiết bị hiện đại.

Ngoài lý thuyết, thầy Khánh còn cố gắng rèn luyện những thao tác thực hành để trau dồi kỹ năng thực tế. Mục đích để có thể hướng dẫn cho học sinh, sinh viên một cách hiệu quả và chuyên nghiệp, đồng thời tránh được các sai sót trong quá trình các em thực hành.

Cũng theo thầy Khánh, để có thể đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh những nỗ lực cá nhân của của các giảng viên thì sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất giảng dạy hiện đại rất quan trọng.

Tôi đánh giá rất cao tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động trong nền kinh tế đang có nhiều chuyển đổi của Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế muốn phát triển cũng phải cập nhật liên tục về mọi mặt như thị trường, dây chuyền công nghệ… Đặc biệt là con người cũng phải luôn trau dồi kỹ năng, cập nhật các thiết bị, công nghệ hiện đại thì mới có thể đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế hiện đại”, thầy Khánh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ