Người đứng đầu Thượng viện Pakistan Raza Rabbani vừa tuyên bố tẩy chay các cuộc họp của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tổ chức tại New York dưới sự bảo trợ của Liên Hiêp Quốc, cũng như việc chấm dứt tiếp xúc với các thành viên của Quốc hội Mỹ, các nhà ngoại giao và các đại diện của Nhà Trắng.
Một quyết định gây tranh cãi
Theo phía Pakistan, lý do dẫn đến căng thẳng giữa Islamabad và Washington chính là việc Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào nước này cho Phó Chủ tịch Thượng viện Pakistan Maulana Abdul Gafur Haider, đại diện cho đảng Hồi giáo cực đoan “Jamiat Ulema-e-Islam”.
Pakistan đã trở thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên và là đồng minh của Mỹ “liều mạng” tham gia vào một cuộc xung đột ngoại giao công khai với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Vụ bê bối đã nhanh chóng leo thang sau khi Phó Chủ tịch Thượng viện Pakistan Maulana Haider không thể bay đến New York để tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày của IPU, khai mạc vào thứ Hai vừa qua. Cuộc họp đã thảo luận các vấn đề về bảo vệ môi trường và phát triển các nguồn tài nguyên biển và không hứa hẹn những cuộc xung đột ngoại giao.
Tuy nhiên, trước khi đoàn Pakistan khởi hành đến New York, vào ngày Chủ nhật, Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad bất ngờ thông báo rằng chỉ cấp visa cho đại biểu từ đảng cầm quyền “Liên đoàn Hồi giáo Pakistan” (“Nawaz”) Salahuddin Tirmizi. Visa cho Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Thượng viện Maulana Haider đã bị “treo” đến 14/2.
Trong khi đó, 14/2 lại là ngày làm việc cuối cùng của hội nghị, nếu Maulana Abdul Gafur Haider đến New York vào ngày này thì cũng không còn ý nghĩa gì nữa.
Phản ứng dữ dội từ phía Pakistan
Việc Mỹ từ chối cấp visa cho chính trị gia nổi tiếng của Pakistan khiến Chủ tịch Thượng viện Raza Rabbani phản ứng gay gắt. Người đứng thứ 3 trong hệ thống phân cấp quyền lực của Pakistan cho biết, ông Salahuddin Tirmizi, người nhận được visa đến New York sẽ không đi.
Căng thẳng hơn, các thành viên của Thượng viện Pakistan từ chối chuyến thăm nước Mỹ đến khi phía Mỹ phải giải thích rằng tại sao Maulana Haider đã bị từ chối vào nước này.
Raza Rabbani cũng thông báo rằng, trước khi giải quyết xong vụ xung đột visa, Thượng viện Pakistan sẽ không có bất cứ liên hệ gì với các đoàn Quốc hội Mỹ, các nhà ngoại giao và các đại diện của Nhà Trắng đến thăm Islamabad.
Nên nhớ rằng, kể từ sau cuộc khủng bố 11/9, Pakistan trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Vậy mà giờ đây, Islamabad lại trở thành quốc gia tiên phong trong xu hướng chống lại những chính sách của tân Tổng thống Donald Trump.
Trong những năm trước đây, việc Mỹ không cấp visa vào Mỹ cho một số quan chức Pakistan cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, đó là những quan chức cấp thấp. Lần này, Washington chặn cả Phó Chủ tịch Thượng viện Pakistan Maulana Abdul Gafur Haider thì đúng là chuyện lớn.
Nói như các nhà phân tích rằng vụ này không tương xứng với tầm vóc của quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Pakistan. Washington không thể viện bất cứ cớ gì để có thể giải thích cho Pakistan thấu hiểu.
Phó Chủ tịch Thượng viện Pakistan Maulana Abdul Gafur Haider sang Mỹ không phải vì việc riêng mà ông dẫn đầu đoàn đại biểu Thượng viện tham dự hội nghị của IPU.
Điều đáng tiếc là vụ việc xảy ra ngay sau khi Donald Trump ký sắc lệnh mới về nhập cư, theo đó hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân tất cả các nước, đặc biệt là các nước Hồi giáo. Pakistan không thuộc 7 nước Hồi giáo đặc biệt, nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra.
Đây là vết rạn đầu tiên trong quan hệ Mỹ - Pakistan thời Donald Trump. Theo các nhà phân tích, nếu không giải quyết ổn thỏa xung đột ngoại giao này, quan hệ Mỹ - Pakistan sẽ hết sức căng thẳng và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Trung Đông sẽ mất đi trợ thủ tin cậy.