Thách thức mới cho lao động ngành du lịch

GD&TĐ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức công bố Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch. 

Thách thức mới cho lao động ngành du lịch

Theo Thỏa thuận, một cơ chế thống nhất về tiêu chuẩn nghề được xác lập sẽ giúp cho người lao động trong ngành du lịch của các nước trong khu vực có thể được công nhận và làm việc tại bất kỳ nước nào khác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau chuẩn nghề du lịch của ASEAN vừa công bố bao gồm 32 chức danh nghề được chuẩn hóa, đi cùng với 52 loại văn bằng, chứng chỉ. Thỏa thuận cũng cung cấp các bộ công cụ chuẩn phục vụ cho đào tạo và thẩm định năng lực của lao động du lịch. Việc đưa ra chuẩn nghề du lịch chung được đánh giá là một bước tiến mới của ASEAN trong nỗ lực hình thành một thị trường du lịch thống nhất và có chất lượng cho cả khu vực.

Cũng trong dịp này, ASEAN đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Hệ thống đăng ký nghề du lịch ASEAN. Thông qua cổng thông tin này, lao động có chứng chỉ nghề du lịch đăng ký và có thể tìm được việc làm phù hợp tại ASEAN.

Đối với lao động ngành du lịch Việt Nam, Thỏa thuận này đang mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại những thị trường tiềm năng hơn tại các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ngược lại người lao động các nước trong khối ASEAN, theo Thỏa thuận cũng có quyền dùng chứng chỉ nghề của nước họ để tới làm việc tại Việt Nam. Lao động ngành du lịch tại Việt Nam sẽ phải chia sẻ công việc cho các lao động đến từ các nước ASEAN.

Đón nhận kết quả của Thỏa thuận là sự hồ hởi của nhiều doanh nghiệp du lịch, bởi ngay sau đây, họ đã có thêm nhiều cơ hội tiếp nhận nguồn nhân lực ngành có chất lượng cao, có hiểu biết và có kinh nghiệm phát triển du lịch, đặc biệt các doanh nghiệp luôn chào đón các lao động chất lượng cao đến từ ASEAN.

Nhân lực thiếu và chưa đạt chuẩn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng cho sự cạnh tranh lao động sắp diễn ra từ Thỏa thuận này. Các lao động ngành du lịch Việt Nam đang thiếu những thông tin về sự cạnh tranh việc làm ngay trong nước, và cũng thiếu thông tin về những yêu cầu, kỹ năng cần thiết để lao động Việt Nam có thể hành nghề du lịch tại các nước ASEAN.

Nhân lực ngành du lịch Việt Nam cũng đang bị đánh giá là một trong những khâu yếu nhất. Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp (quản lý khách sạn, nhà hàng cao cấp, lữ hành, điều hành tour…), mà ngay lực lượng lao động trực tiếp như bán hàng, phục vụ bàn ở quán ăn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng… vẫn chưa đạt chuẩn, từ thái độ phục vụ, đến kỹ năng nghiệp vụ du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm Việt Nam đang cần thêm khoảng 40.000 lao động, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp trong ngành công nghiệp du lịch chỉ là 15.000 sinh viên/năm. Ngành du lịch đang có khoảng 650.000 việc làm trực tiếp và 2 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2015, lao động làm quản lý được dự kiến tăng 25% mỗi năm. Tuy nhiên, lực lượng lao động du lịch qua đào tạo và đạt chuẩn nghề còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.

Việc tăng số lượng lao động được đào tạo và có trình độ trong tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch và khách sạn đang tạo ra một thách thức không nhỏ đối với đào tạo nghề du lịch của Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch ASEAN cung cấp các bộ công cụ chuẩn để đào tạo và thẩm định năng lực của lao động du lịch, theo đó Việt Nam cần phải kịp thời bổ sung những nội dung của bộ công cụ này trong giáo trình đào tạo nghề du lịch hiện nay của mình.

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam cần được đào tạo thêm nhiều kỹ năng về ngành du lịch, nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán các nước trong khối ASEAN, đặc biệt nâng cao trình độ ngoại ngữ để sẵn sàng hòa nhập.

Du lịch là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm ở ASEAN. Theo số liệu thống kê năm 2014, du lịch đã tạo ra 29 triệu việc làm, chiếm 9,7% tổng số việc làm tại ASEAN. Mục tiêu đến năm 2025, du lịch sẽ tạo việc làm cho 35 triệu người, chiếm 11% tổng số việc làm của khối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ