Thách thức đào tạo nhân lực ngành du lịch Việt Nam

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch tăng trưởng đều đặn đòi hỏi nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao cũng phải tăng trưởng tương xứng. 

Thách thức đào tạo nhân lực ngành du lịch Việt Nam

Tuy nhiên, với tình hình đào tạo như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định nguồn nhân lực sẽ không thể đáp ứng kịp nhu cầu, điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho lao động ngành du lịch từ các nước ASEAN tham gia vào thị trường du lịch Việt Nam.

Thiếu người làm nghề

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, du lịch là ngành được đánh giá có nhu cầu nhân sự cao gấp 2 - 3 lần so với một số ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính... Mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, tuy nhiên số sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó hơn 12% trình độ ĐH, CĐ. Chỉ tính riêng TPHCM, theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, dự kiến từ nay đến năm 2020, mỗi năm thành phố cần khoảng 21.600 lao động khối ngành dịch vụ.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, trong vòng 5 năm tới, lực lượng lao động ngành phải tăng khoảng 20% thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển. Số lượng doanh nghiệp du lịch đang gia tăng, hiện có hàng trăm khách sạn đang chờ mở cửa và đang cần người làm việc nhưng lại thiếu người làm nghề.

Cả nước hiện có 346 cơ sở đào tạo du lịch nhưng phần lớn có chất lượng đào tạo thấp nên doanh nghiệp phải tốn thêm kinh phí đào tạo lại sau tuyển dụng. Tỷ lệ được tuyển dụng của các sinh viên sau khi ra trường cũng thấp. Doanh nghiệp đánh giá sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng để làm việc, đặc biệt là ngoại ngữ, yếu tố rất quan trọng với người làm du lịch. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ của các công ty tuyển dụng. Vì vậy, cơ sở đào tạo phải thay đổi từ gốc rễ, đào tạo người làm nghề du lịch thay vì chỉ đào tạo ra những cử nhân nhưng không biết làm việc.

Xây dựng hệ thống đào tạo tương đồng

Xung quanh vấn đề đào tạo, các chuyên gia đã chỉ ra một số bất cập hiện nay như, cả nước chưa có quy chuẩn thống nhất về đào tạo du lịch. Mỗi trường có một quy chuẩn, một giáo trình khác nhau. Đội ngũ giảng viên, chuyên gia tuy nhiều, có chất lượng nhưng lại chưa liên kết để tạo nên những chương trình đào tạo tốt. Thêm vào đó, sinh viên cũng thiếu cơ hội cọ xát với thực tế để tăng thêm kỹ năng làm nghề.

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam đánh giá, cơ cấu theo trình độ đào tạo của nhân lực ngành du lịch nước ta đang mất cân đối. Cụ thể, chỉ có 43% lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Trong đó, lao động trực tiếp của ngành du lịch đạt trình độ ĐH và trên ĐH chiếm 9,7%; sơ cấp đến CĐ chiếm 51% và có đến gần 40% trình độ dưới sơ cấp. Nhân lực phục vụ chiếm tỷ lệ lớn trong nhân lực trực tiếp nhưng trình độ đào tạo thấp, hiểu biết về văn hóa, xã hội và văn minh giao tiếp hạn chế.

Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài cũng như trong nước, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi sự cạnh tranh lao động trong một thị trường mở ngày càng khốc liệt hơn khi tới đây sẽ có nhiều lao động nước khác đến làm việc tại Việt Nam. Khi các hiệp định quốc tế có liệu lực thì những lao động thiếu năng lực đều có nguy cơ bị mất việc. Do đó, cần xây dựng một hệ thống bậc đào tạo tương đồng với trình độ tham chiếu các nước ASEAN.

Thách thức lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là sự chuyên nghiệp của đội ngũ bao gồm: Tác phong, thái độ phục vụ, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng. Cải thiện được những vấn đề nêu trên, lao động ngành du lịch Việt Nam sẽ được nâng cao về trình độ kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn và ý thức lao động, có đủ khả năng cạnh tranh với các lao động đến từ các nước trong khối ASEAN.

Trình độ ngoại ngữ của nhân lực ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là rất hạn chế khi chỉ có khoảng 60% có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ