Vòng loại U23 châu Á 2020 sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 22/3 tới đây trên sân Mỹ Đình. Dù chỉ là giải đấu trẻ, song bóng đá Việt Nam đặt tham vọng rất lớn ở sân chơi này khi U23 Việt Nam đang là đương kim á quân châu lục. Ba đội bóng giành ba hạng cao nhất tại giải U23 châu Á cũng sẽ có vé dự Olympic Tokyo 2020, do đó, U23 Việt Nam cần có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt đầu với chiến dịch vòng loại đầy khó khăn.
Dưới đây là ba thách thức đang chờ đợi HLV Park Hang Seo và các cầu thủ cùng giải quyết trong đợt tập trung này.
Sau kỳ tích Thường Châu, U23 Việt Nam sắp bước vào hành trình mới.
Xáo trộn thành phần ban huấn luyện
HLV Park Hang Seo nhận tin không vui khi HLV thể lực Wilander Fonseca vừa nói lời chia tay đội tuyển. Trợ lý người Brazil xin nghỉ để theo học khoá huấn luyện bằng A của AFC (AFC Pro A) - một trong những chứng chỉ mà mọi nhà cầm quân chuyên nghiệp cần phải có.
Ông Fonseca sẽ theo học chương trình đào tạo ở Campuchia và không thể đảm đương công việc khi vòng loại U23 châu Á đã cận kề. VFF sẽ phải gấp rút tìm kiếm một HLV thể lực mới để khoả lấp vị trí này.
Trước đó không lâu, BHL tuyển Việt Nam cũng phải chia tay HLV thể lực Bae Ji Won - người chuyển sang Malaysia để nhận sứ mệnh dẫn dắt một CLB gồm các cầu thủ trẻ Hàn Quốc vừa tập luyện, vừa học tập.
Thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 và đầu năm 2019 có được là nhờ nền tảng thể lực cực kỳ sung mãn của các tuyển thủ, vì vậy, vị trí HLV thể lực trong đội càng có vai trò quan trọng.
Cả ông Fonseca và Bae Ji Won đều đảm nhiệm tốt công việc, nên sức ép cho người kế cận là không hề nhỏ.
Ông Fonseca vừa chia tay Việt Nam. (Ảnh: Zing).
Bên cạnh HLV thể lực, HLV Park Hang Seo còn phải đau đầu với vị trí trợ lý ngôn ngữ. Sau khi ông Phan Duy Tuấn chia tay ĐTQG do bận công việc gia đình, vị trí này đang bỏ trống và VFF phải tìm được một phiên dịch "tâm đầu ý hợp" với thầy Park.
Chia sẻ với VTC News, cựu trợ lý Lê Huy Khoa khẳng định đây là vị trí khó khăn, vất vả và tương đối nhạy cảm, bởi phiên dịch và truyền đạt được trọn vẹn ý của HLV Park Hang Seo chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Trụ cột chấn thương và mất cảm giác thi đấu
Thành phần đội tuyển U23 Việt Nam dự giải U23 châu Á phải bao gồm các cầu thủ sinh năm 1997 trở đi, nên dù không muốn, HLV Park Hang Seo cũng phải chia tay một loạt học trò cũ và xây dựng đội tuyển dựa trên bộ khung mới. Tuy nhiên, lứa U23 Việt Nam hiện nay có lực lượng không dồi dào và chưa cho thấy sự tương xứng với thế hệ đàn anh.
Ở hàng phòng ngự, Đình Trọng là cái tên nổi trội nhất, song trung vệ gốc Gia Lâm phải nghỉ thi đấu để chữa trị dứt điểm chấn thương trong hai tháng qua. Thành Chung không được ra sân thường xuyên ở CLB Hà Nội do không cạnh tranh được với Duy Mạnh, Brandon McDonald. Thủ môn Tiến Dũng dính chấn thương trong một buổi tập, chưa ra sân trận nào mùa này.
Quang Hải đang chưa có phong độ cao nhất.
Ở tuyến trên, Đức Chinh gây thất vọng trong màu áo tuyển lẫn CLB. Cầu thủ người Phú Thọ vừa bị HLV Lê Huỳnh Đức công khai chỉ trích là "không làm được gì" sau thất bại 1-3 của SHB Đà Nẵng trước Becamex Bình Dương. Trong khi đó, dàn cầu thủ U22 Việt Nam với những Văn Biểu, Việt Anh, Thanh Sơn, Tiến Dụng,... lại chưa thể hiện được nhiều ở giải U22 Đông Nam Á.
Trong đợt chốt danh sách dự tuyển chiều nay, nhiều khả năng những cái tên chưa khẳng định được mình sẽ bị loại.
Phong độ của Quang Hải, Văn Hậu cũng là dấu hỏi lớn. Theo HLV Chu Đình Nghiêm, cả hai cầu thủ này đều chưa bắt nhịp được với CLB Hà Nội. Quang Hải chơi không tốt từ đầu mùa, bị căng cứng và thường bị thay ra sớm.
Nhiều lo ngại cho rằng các tuyển thủ có thể mất cảm hứng với bóng đá sau khi trải qua nhiều giải gối nhau với mật độ thi đấu dày đặc. HLV Park Hang Seo sẽ phải làm công tác tư tưởng để lấy lại tinh thần cho các học trò.
Hoài nghi và sức ép
Sau khi trải qua một vòng tròn thành công cùng bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo sẽ phải bước vào chu trình mới, với những mục tiêu mới trong năm 2019. Không điều gì có thể đảm bảo thành công cho chiến lược gia người Hàn Quốc, bởi với bóng đá Việt Nam, sự ổn định vẫn là yếu tố xa xỉ.
HLV Park Hang Seo có nhiệm vụ duy trì thành công cho bóng đá Việt Nam.
Không dễ để một đội trẻ có thể thành công ở hai giải đấu cỡ châu lục liên tiếp, song với kỳ tích U23 Việt Nam tạo ra năm 2018, lứa U23 hiện nay đứng trước sức ép phải tái lập thành công như các đàn anh, nhất là khi một tấm vé chơi trận chung kết (hoặc thắng trận tranh hạng ba) sẽ đưa các cầu thủ đến Olympic - đấu trường bóng đá Việt Nam chưa từng chạm tới. Với người hâm mộ cùng truyền thông, U23 Việt Nam chỉ có thể tiến lên, không được thụt lùi. Áp lực giữ vững đỉnh cao luôn khó hơn chinh phục đỉnh cao.
Bên cạnh đó, thất bại của U22 Việt Nam ở giải U22 Đông Nam Á cũng khiến lứa U23 hôm nay gặp nhiều hoài nghi, rằng đằng sau thế hệ đàn anh được yêu mến, liệu có tồn tại khoảng trống tài năng mà các cầu thủ kế cận không thể lấp đầy, và liệu U23 Việt Nam đã đủ vững vàng để hướng tới đỉnh cao SEA Games vào cuối năm nay.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, và thành tích của các cầu thủ ở vòng loại U23 châu Á sẽ phần nào hé lộ câu trả lời.