Tết Việt ấm áp phong tục mừng thọ đầu xuân

Đầu xuân, ở các vùng quê Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, diễn ra tưng bừng, trang trọng lễ mừng thọ các bậc cao niên.

Việc mừng thọ đầu năm được tổ chức trang trọng, đầm ầm ở nhiều gia đình, khu dân cư, xã, phường (ảnh minh họa: internet)
Việc mừng thọ đầu năm được tổ chức trang trọng, đầm ầm ở nhiều gia đình, khu dân cư, xã, phường (ảnh minh họa: internet)
Chưa Tết năm nào, nhà cụ Phạm Thị Xuyến ở xã An Quý (Quỳnh Phụ, Thái Bình) lại hội tụ đông đủ con cái, cháu chắt như năm nay. Không chỉ vì mong muốn được về quê sum họp trong ba ngày Tết, mà còn bởi Xuân Giáp Ngọ này, các con cháu cụ Xuyến từ Tây Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội cố gắng thu xếp công việc về quê là để mừng cụ Xuyến thượng thọ 80 tuổi.

Không chỉ được xã, huyện tổ chức tặng quà, cụ còn được con cháu quây quần về chúc thọ đầu năm nên cụ rất phấn khởi.

“Tôi được mừng thọ rất vui vẻ. Con, cháu, chắt đầy đủ cả. Ai cũng chúc cho khỏe mạnh, sống lâu. Tôi cũng chỉ mong khỏe mạnh, con cháu đề huề suốt thôi chứ không ao ước gì cả” - Cụ xuyến vui vẻ nói.

Cùng với hoạt động chúc Tết mừng Xuân mới, những ngày này, ở các vùng quê Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, diễn ra tưng bừng, trang trọng lễ mừng thọ các bậc cao niên. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày Xuân thêm phần ấm cúng.

Theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Nghĩa Dân (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), mừng thọ là truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự kính trọng người già, hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà.

Ở nước ta, lễ mừng thọ không tổ chức theo ngày sinh như phương Tây mà thường tổ chức vào những ngày đầu xuân mới. Tổ chức lễ ra sao tùy thuộc vào mỗi gia đình, tuy nhiên những ngày này con, cháu dù làm ăn xa xôi ở đâu cũng sum họp đông đủ để chúc thọ ông, bà.

Trong truyền thống dân gian, lễ chúc thọ được bắt đầu từ 60 tuổi. Ngày nay, đời sống ngày một cải thiện, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn nên độ tuổi mừng thọ được bắt đầu từ 70 tuổi trở lên và việc mừng thọ cũng không chỉ còn trong quy mô gia đình, dòng họ mà được cả xã hội quan tâm.

Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà; thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chúc thọ; ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 được Uỷ ban nhân dân xã, phường và hội người cao tuổi tổ chức chúc thọ.

“Lễ chúc thọ là phong tục quý trọng những người già 70, 75, 80, 85 thường là chúc thọ vào năm chẵn. 90 trở đi, ngay cả 80 cũng đã mặc áo đỏ, khăn đỏ, con cháu có nơi thì lễ sống, để mà đội ơn, biết ơn ơn sinh thành của cha mẹ. 

Khi còn sống biết ơn, thì khi chết sẽ rất biết ơn. Đấy là truyền thống dân tộc của ta, đến những ngày như thế, bằng mọi cách, bằng mọi giá, con cháu cũng về với ông bà” - Ông Nguyễn Nghĩa Dân cho biết.

Soi vào truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, con cháu lại nhận ra những giá trị tinh thần quý giá. Chị Nguyễn Thị Phượng ở Hà Nội, cũng thu xếp công việc, khăn gói về quê Phủ Lý, Nam Định mừng thọ bố, cho biết:

“Lễ mừng thọ này nhắc cho chúng tôi biết cha mẹ cũng đã già, để con cái chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Tôi mong cho cha mẹ tôi sống lâu, mạnh khỏe mãi mãi cùng con cháu.”

Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", chăm sóc, phụng dưỡng người già ngày càng được nhận thức sâu sắc, mà lễ mừng thọ chỉ là một dịp để con cháu, cũng như toàn xã hội tỏ bày sự quan tâm thiết thực đến các bậc cao niên.

Truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, là một nét văn hóa làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ