Tết trong trại giam, cháy lòng mong ước đoàn viên

GD&TĐ - Những ngày cuối cùng của năm, không khí tết dường như cũng đã len lỏi về ở nơi đặc biệt: Trại giam! Dù chỉ với những điều thật nhỏ nhoi: Đó là mảng tường đã được quét vôi lại cho trắng, mới mẻ, là cây đào chớm nụ, và mùi hương trầm phảng phất đâu đó ngày cuối năm.

Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức cho phạm nhân gói bánh chưng
Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tổ chức cho phạm nhân gói bánh chưng

Và như một cảm thức,của bất cứ con người nào mỗi khi năm hết tết đến, những phạm nhân ở đây cũng trở nên bồn chồn hơn, nao lòng hơn, chạnh lòng hơn.

Chạnh lòng ngày tết

Đến ngày 28 tết, các phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An (xã Nghi Kim, TP Vinh) đã được cho nghỉ lao động cải tạo. Để các phạm nhân được đón cái Tết ấm cúng, lãnh đạo Trại tạm giam cũng đã quyết định nâng khẩu phần ăn gấp 5 lần ngày thường trong bữa cơm tất niên và các ngày tết. Đồng thời tổ chức bữa cơm tất niên, gói bánh chưng cho hơn 100 phạm nhân đang thi hành án tại đây tham gia.

Phạm nhân trang trí cành đào đón tết
 Phạm nhân trang trí cành đào đón tết

Ở khu vực sân tập thể và hội trường của phân trại, hơn 100 phạm nhân đã dọn dẹp vệ sinh buồng giam cá nhân sạch sẽ và tập trung đông đủ. Họ ngồi thành nhóm, bên lá dong xanh và đỗ nếp, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện riêng của mình. Nếu như không phải họ đang mặc áo số, nhiều người không nghĩ đây là trại tạm giam.

Nhiệt tình tham gia sửa soạn gói bánh chưng, Hoàng Khắc H. (quê ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An) tuổi đang trẻ. “Chụp cho em kiểu ảnh đi, chị muốn hỏi gì em trả lời cho”, H. khá mạnh dạn. Nói về lý do phải thi hành án trong trại giam, H. cho biết mình phạm tội đánh bạc, bị kết án 17 tháng tù giam. “Đến giờ em đã thụ án được 2 tháng, đây cũng là tết đầu tiên em trải qua trong trại giam, H cho biết. Nhưng khi nhắc đến gia đình giọng của phạm nhân trẻ tuổi chùng xuống, cho biết mình đã có vợ và 2 con nhỏ. Cháu đầu 3 tuổi, còn cháu sau mới 1 tuổi rưỡi.

Tập cho nhau gói bánh chưng và trò chuyện, chia sẻ câu chuyện của mỗi người
 Tập cho nhau gói bánh chưng và trò chuyện, chia sẻ câu chuyện của mỗi người

Nhà cách TP Vinh khoảng 100km, nên vợ con cũng thường xuyên tranh thủ xuống thăm. “Vừa rồi, hôm 27 tết, vợ con em cũng xuống đấy, dặn em ở trong này cải tạo cho tốt để sớm về nhà. Vợ chỉ đưa đứa nhỏ xuống thôi, đứa lớn nó biết nhớ bố rồi, mỗi lần gặp nó cứ ôm lấy cổ bố đòi bố về nhà cùng…”, H. nói như khóc.

Ngày năm hết tết đến, vợ con xuống thăm H. trong chốc lát rồi lại tất tả ngược núi trở về. Còn lại H. trong trại, dù đã được ban giám thị, cán bộ trại giam hỗ trợ, dành cho những điều kiện vật chất giống như tết nhà: có bánh chưng, có cơm tất niên, có cành đào… nhưng nỗi lòng nhớ nhà, nhớ quê vẫn day dứt, canh cánh, như chờ một lời thăm hỏi, chia sẻ là vỡ òa.

Khao khát ngày về

Cũng là năm đầu tiên nhập trại, nữ phạm nhân N.T.T. (quê ở TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) chỉ vừa mới nhắc đến gia đình đã không kìm được nước mắt. Phạm tội buôn lậu pháo, N. T. T. bị tuyên án 5 năm tù giam. Giờ đây, đứa con nhỏ hơn 2 tuổi đang sống cùng ông bà nội. Là phụ nữ, những ngày cuối năm, không được tham gia sửa soạn, chuẩn bị đón tết cùng gia đình, không được ở bên con khiến chị T. càng chạnh lòng xót xa.

“Thấy các giám thị trại tạm giam chuẩn bị tết cho phạm nhân mà tôi ứa nước mắt. Chỉ vì hám lợi mà tôi đã liều mình đi buôn lậu pháo. Giờ ở đây, tôi chỉ biết cố cải tạo tốt, để được xin giảm án, sớm về với con”, T. nghẹn ngào.

Ngày tết đối với nữ phạm nhân trong trại giam càng thêm nỗi nhớ nhà, nhớ con
 Ngày tết đối với nữ phạm nhân trong trại giam càng thêm nỗi nhớ nhà, nhớ con

Còn phạm nhân trẻ tuổi Hoàng Khắc H. tâm sự: “Nếu tính cả thời gian tạm giam, thì đến nay em đã thụ án được hơn 4 tháng rồi. Ngày tháng ở trong tù đã giúp em hiểu ra nhiều thứ, mình làm sai thì phải trả giá. Cố gắng cải tạo tốt, xin được giảm án thì có thể sang năm em sẽ mãn hạn tù, kịp về đoàn tụ gia đình đón tết. Về khỏi vợ con mong, tội lắm”

Khác với những phạm nhân trẻ tuổi, phạm nhân Lê Tuấn G. (quê huyện Yên Thành, Nghệ An) đã 50 tuổi, ông tỏ ra trầm lặng hơn trong ngày cuối năm. Cách đây 2 năm, trong một khoảnh khắc không làm chủ được tay lái, G. điều khiển ô tô đâm trúng người đi đường khiến nạn nhân tử vong. Lê Tuấn G. phải chịu 36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tết này, đã là cái tết thứ 2 Lê Tuấn G. ở trong trại giam.

Sinh hoạt chung trong ngày tết giúp phạm nhân bớt chạnh lòng trong ngày tết
Sinh hoạt chung trong ngày tết giúp phạm nhân bớt chạnh lòng trong ngày tết 

Hai năm qua, vào cái thời khắc đặc biệt chuyển giao năm cũ năm mới, ở trong trại giam cũng được gói bánh, được có một bữa cơm mang hương vị tết, và được cán bộ chúc tết, cũng giúp ông G. đỡ chạnh lòng, tủi thân. Tù nhân luống tuổi chia sẻ: Nhà tù đúng là một trường học lớn. Trước đây, tôi cứ nghĩ mình là đàn ông, lo liệu việc lớn, bận bịu công tác, tiếp đãi người ngoài. Còn mọi việc trong nhà phó mặc hết cho vợ con. Giờ mới thấm, những lúc gặp hoạn nạn, lỗi lầm, chỉ có người thân mới quan tâm, lo lắng, ở bên cạnh mình. Và ở đây, tôi cũng mới thấm giá trị của ngày tết đoàn viên, sửa soạn lễ thờ cúng ông bà tổ tiên. Tết năm sau, tôi có thể về rồi, tôi sẽ quan tâm gia đình hơn. Tôi cũng đã biết gói bánh, để về nhà tự tay gói chiếc bánh chưng nhỏ cho cháu ngoại”.

Trở về với gia đình là động lực để các phạm nhân đang thi hành án phấn đấu cải tạo tốt, thực hiện nghiêm quy định trại giam
 Trở về với gia đình là động lực để các phạm nhân đang thi hành án phấn đấu cải tạo tốt, thực hiện nghiêm quy định trại giam

Trung tá Đinh Trọng Dung - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Các phạm nhân này ở đây là để trả giá cho những tội lỗi của họ nhưng họ cũng là con người. Đặc biệt ngày cuối năm tết đến, ai cũng hướng về quê nhà, mong ước đoàn tụ với gia đình. Tinh thần của họ có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình lao động, cải tạo sau này. Vì thế, chúng tôi cũng tạo điều kiện, quan tâm, ổn định tâm lý cho phạm nhân. Đồng thời, cho họ biết những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, động viên, khuyến khích họ cải tạo tốt để được giảm án, sớm đoàn tụ với gia đình, xã hội".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.