Lạp xưởng gác bếp một món đặc sản lâu đời được làm thủ công ở các vùng người dân tộc miền Tây Bắc. Vào các tháng cuối năm người dân thường làm lạp xưởng để phục vụ Tết và ăn trong năm |
Đi săn đặc sản quê tết cô
Phụ huynh tên Hưng có con học tại một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội cho biết, đang trong lúc đau đầu không biết tết cô thế nào thì được gợi ý "biếu đặc sản quê". Ngẫm lại, anh Hưng thấy có lí vì nhẽ nhà cô khá giả nên... biếu quà quê là hợp lí.
Anh lập tức bàn với một số phụ huynh khác và "kêu gọi" mọi người góp sáng kiến. Riêng anh chỉ đạo về quê (Nghệ An) chọn cá thu loại 1, tươi ngon để tết cô.
Một phụ huynh khác thì "săn" đặc sản Yên Bái. Chị cho biết, nhờ anh Hưng gợi ý nên chị cũng gọi điện về Yên Bái để đặt hàng "xúc xích thượng hạng" để góp cùng "đội hình toàn đặc sản quê" để tết cô với mong muốn cô sẽ thích.
Để có "xúc xích chuẩn" - chị phải nhờ người thân vào bản để không mua phải "hàng nhái".
Còn anh Hưng mất cả tuần để chọn đúng loại cá thu ưng ý, không ủ lạnh, vừa câu lên - nên cá tươi ngon....
Nhà ở Diễn, nên năm nào chị Hoa cũng đặt mua hàng chục quả bưởi loại “chuẩn” nhất đem biếu cô giáo của các con.
Chị Hằng nhà buôn hải sản, nên quà tết sẽ “đơn giản” là tôm, cua, cá.
Truyền thống phong bì
Đây là quà tặng “truyền thống” của không ít các phụ huynh. đối với giáo viên tiểu học, giá sàn của trường trung tâm Hà Nội là 500 nghìn đồng/ cô.
Đối với giáo viên mầm non, vì một lớp có từ 2 – 3 cô, nên phong bì cho các cô “nhẹ” hơn, nhưng tất nhiên tổng số tiền mà phụ huynh cộng vào không giảm.
Chị Hồng, có 2 con cùng đang học mẫu giáo công lập, cho biết mỗi lớp 3 cô, mỗi cô biếu 200 nghìn đồng. Chị Nga thì bỏ chung phong bì cho 3 cô là 500 nghìn đồng…
Lý giải về việc “chăm” quà cáp cho cô một năm 3, 4 lần, chị Hoa cho biết “Tôi thấy đồng lương giáo viên không cao, thậm chí nhiều giáo viên lương còn thấp như công nhân. Tết thì ai chẳng muốn nhận quà, mà giáo viên thì càng muốn vì trường có thưởng tết đâu hoặc rất ít”.
“Quan trọng là góc độ mình nhìn nhận. Bản thân tôi khi đưa phong bì cho cô cũng nghĩ đó là thể hiện sự tôn trọng và quan tâm của gia đình đối với các cô. Tôi thấy công việc của các cô giáo mầm non quá vất vả, thu nhập lại không tương xứng.
Tôi không đưa phong bì vì mong cô quan tâm hơn đến cháu, mà tôi đưa phong bì để nói với cô rằng gia đình muốn cảm ơn các cô vì những điều đã làm cho cháu, vì cả hai cháu nhà tôi đều không kêu ca mỗi sáng đến lớp, và khi về nhà vẫn thấy rất hào hứng” - Chị Hồng cho biết.
Và những người “thờ ơ”
Trường tuyên bố chỉ lo được đủ lương tháng 12, quỹ trường hết, phải chờ xem phường, quận có tặng gì thì may ra mới có quà tết... là “hoàn cảnh” của một trường THCS nội thành Hà Nội.
“Dù dạy môn chính nhưng chỉ dạy lớp bình thường, các dịp lễ tết chỉ có dăm ba phụ huynh thăm hỏi.
Đã thế, những phụ huynh “nhớ” đến cô lại chủ yếu là học sinh có vấn đề, nên đưa “quà” tôi còn phải trả lại, không muốn vì chuyện quà cáp này mà ảnh hưởng tới đánh giá thực chất học sinh trên lớp.
Nói chung, theo tôi mỗi trường chỉ có giáo viên lớp chọn là được nhiều phụ huynh quan tâm thôi. Nhưng tôi cũng không quá để tâm đến chuyện này” - Một cô giáo của trường chia sẻ.
Gia đình có 2 bé, một học trường dân lập từ nhỏ, một mới bắt đầu vào công lập, nhưng chị Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chưa năm nào tặng quà cô giáo dịp Tết.
Theo chị Giang, “Quỹ lớp đã lo chuyện này. Với bé trai đang học lớp một ở trường công, đầu học kỳ đã đóng 500 nghìn đồng tiền quỹ lớp cho con, Chủ nhật vừa rồi đi họp phụ huynh, ban phụ huynh thống kê các khoản chi tiêu, trong đó đã dự kiến tặng quà tết cho cô là 2 triệu đồng”.
Còn với bé gái năm nay học lớp 5 ở trường dân lập thì “chưa năm nào có quà tết riêng cho cô hết, vì đã đóng quỹ lớp để ban phụ huynh của lớp tặng quà rồi”.
Chị Giang cho biết ở lớp vẫn có những người tặng riêng quà cho cô. “Có thể là những nhà có con đi thi các giải của trường, của quận mà cô bồi dưỡng cho thì tết nhất vẫn tặng thêm quà cho cô.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì đến chất lượng học tập của mỗi học sinh, nên tôi cũng không lo con tôi bị cô lơi là, không quan tâm…”.