Tết này đi đâu?

Tết này đi đâu?

Đêm giao thừa, nhà nhà quây quần cùng chờ đón giờ khắc đất trời giao hòa thiêng liêng. Khói hương ban thờ lúc nào cũng phải thoang thoảng mùi trầm đón tổ tiên về ăn Tết. Cổng nhà phải luôn mở rộng đón anh em, họ hàng, bà con lối xóm... qua chúc tụng.

Thế nhưng, dường như những điều “thường thì...” ấy giờ đây đã vắng. Thay vì Tết là phải ở nhà lo cỗ bàn, là phải quẩn quanh với lối xóm, nhiều người, nhiều gia đình lại sẵn sàng đóng cổng, lên kế hoạch đi du lịch đó đây. Thay vì đêm 30 Tết quẩn quanh bên nồi bánh chưng, bận luôn tay luôn chân cho mâm cơm cúng giao thừa, nhiều người lại chọn cách dung dăng ra phố, hòa vào cộng đồng để cùng ngắm pháo hoa, hưởng hương sắc của xuân giữa đất trời mênh mông... Thay vì ba ngày Tết phụ nữ bận rộn với những mâm cơm lúc nào cũng ăm ắp thịt thà, nhiều gia đình quyết định “giải phóng” cho các mẹ, các chị khi chọn những bữa ăn ở nhà hàng ngay từ mùng hai Tết...

Rõ ràng, cách đón Tết cổ truyền giờ đây đã có nhiều thay đổi khi cách đón Tết hướng nội không còn “độc quyền” vì phải chịu sự “cạnh tranh” của cách đón Tết hướng ngoại đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Những câu hỏi, những lời hò hẹn kiểu như: “Tết này đi đâu?”, “Ra đường nhé?”... đã trở thành phổ biến không chỉ trong giới trẻ mà với nhiều gia đình.

Sẽ có những mối lo: Liệu rằng, văn hóa sum vầy gia đình của người Việt được thể hiện rõ nhất trong ngày Tết có bị lạt phai bởi sự hướng ngoại ấy? Liệu rằng, khói nhang ban thờ tổ tiên có bị bỏ lạnh lẽo, các mối quan hệ gia tộc, hàng xóm có ngày càng lỏng lẻo khi nhiều nhà đóng cửa ngày Tết?

Có lẽ, mối lo bảo thủ cứ cố níu chân mọi người phải quẩn quanh ăn Tết trong làng xã, trong khu phố ấy có phần thừa. Cũng bởi, với sự đủ đầy hơn về vật chất, nhu cầu ăn Tết khi xưa đang dần được thay bằng nhu cầu chơi Tết và vui Tết. Quan niệm sum vầy gia đình cũng không còn phải chỉ ở nhà mà có thể ở bất kỳ đâu. Nhất là, dịp Tết Nguyên đán luôn được nghỉ dài ngày thì hà cớ gì cả gia đình không cùng nhau dịch chuyển đến những không gian khác để chơi Tết, vui Tết?

Chỉ mong rằng, khi chơi Tết, vui Tết ở đó đây, bằng cách này hay cách khác, mỗi người sẽ luôn không quên “tròn vai” làm ấm nồng hơn nữa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết truyền thống. Đấy là giá trị văn hóa uống nước nhớ nguồn khi đừng bao giờ để bàn thờ gia tiên lạnh lẽo trong những ngày Tết. Đấy là giá trị văn hóa gắn kết cộng đồng khi đừng để tình cảm họ hàng, làng xóm, bạn bè... vơi bớt giữa xuân sang...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.