Tết của giáo viên có chồng công tác đảo xa

GD&TĐ - Tết là dịp để gia đình đoàn viên nhưng đối với những cô giáo, vợ của các chiến sĩ đang công tác tại đảo xa, họ đành gác tình riêng để làm hậu phương vững chắc cho chồng.

Vợ chồng cô Đỗ Thị Thơm trong dịp hiếm hoi anh về ăn Tết tại nhà
Vợ chồng cô Đỗ Thị Thơm trong dịp hiếm hoi anh về ăn Tết tại nhà

Đến thăm cô Phạm Hồng Thiêm- nhân viên Trường mầm non Mỗ Lao (quận Hà Đông), chúng tôi thực sự xúc động khi nghe cô kể câu chuyện của chồng mình là anh Bùi Quốc Toản, chiến sỹ của quân chủng hải quân, có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa ra đảo Trường Sa và các đảo trọng yếu khác.

Các chuyến đi của anh Toản nếu thuận buồm xuôi gió thì khoảng 20 ngày ra đến đảo, nhưng khi gặp gió bão thì có lần phải chờ đến hơn 2 tháng. Tết này anh lại ra khơi, đến những ngày giáp Tết mà vẫn chưa chắc chắn sẽ được về. Người vợ thường xuyên sống xa chồng không những dồn tình cảm trong niềm nhớ mà còn là nỗi thương chồng vất vả.

Cô Thiêm tâm sự, trong mùa xuân sum vầy, mọi nhà đều mong xuân qua thật chậm để tận hưởng niềm hạnh phúc. Nhưng đối với những người vợ lính đảo, vào mỗi dịp Tết mà chồng làm nhiệm vụ xa nhà thì các chị lại mong Tết nhanh qua. Đến khi các anh trở về thăm nhà thì khi đấy mới là Tết với gia đình lính đảo.

Cô Phạm Hồng Thiêm và con gái
Cô Phạm Hồng Thiêm và con gái 

Với cô Đỗ Thị Thơm - giáo viên Trường mầm non Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) có chồng là anh Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại Trường Sa, đây tiếp tục là cái Tết mà anh làm nhiệm vụ ngoài đảo xa, không về nhà. Tuy nhiên, chị và các con đã quen với cái tết vắng chồng vắng cha.

Tuy còn nhỏ nhưng các con của cô Thơm đều hiểu và rất tự hào về nhiệm vụ mà bố đang làm. Thay chồng, chị cố gắng lo cho con một cái tết đầy đủ và ấm cúng để chồng chị yên tâm công tác.  

Cô Thơm tâm sự: Lấy nhau 9 năm, khoảng 2 năm thì anh được về nhà ăn Tết một lần. Như vậy, năm nay đã là cái Tết thứ 5 anh không có nhà vào dịp Tết. Những ngày này, anh vẫn thường điện thoại về hỏi thăm tình hình sắm Tết đến đâu, có những cái gì rồi động viên và dặn vợ mua sắm cho các con đầy đủ để bù đắp cho Tết bố vắng nhà.

Trong nhà, vắng người đàn ông trong thời gian khá dài rất khó khăn trong công việc. Vấn đề chăm sóc dạy dỗ các con cũng gặp khó khăn. Vì là mẹ nên cũng không dễ để dạy các con nhất là 2 con trai. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng, đồng nghiệp, cô đã cố gắng vượt lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Được biết, toàn ngành GD-ĐT Hà Nội hiện có 23 nhà giáo là vợ và 96 học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo, luôn khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để trở thành hậu phương vững chắc với những người lính đảo đang bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của tổ quốc.

Những tình cảm, sự quan tâm chia sẻ từ phía hậu phương, từ những người vợ ở quê nhà chắc chắn là nguồn động viên lớn, là động lực tiếp lửa cho các chiến sĩ biển đảo đang ngày đêm bám biển. Trong những người vợ đó có những cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong ngành GD&ĐT.

Không những quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô còn đạt nhiều thành tích nổi bật trong công tác như: Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cô giáo tài năng, duyên dáng”, Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền”, giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.

Nhằm động viên vợ, con các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại biển đảo, hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT Hà Nội đều phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức gặp mặt, tặng quà các nhà giáo là vợ, các em học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.