Tech Champions 2022 đánh giá cao Nyobolt với công nghệ pin vonfram sạc nhanh

GD&TĐ - Công ty Nyobolt đang nghiên cứu chế tạo pin vonfram được Masan High-Tech Materials đầu tư đã xuất sắc vào vòng chung kết Tech Champions 2022.

Tech Champions 2022 đánh giá cao Nyobolt với công nghệ pin vonfram sạc nhanh
Sản phẩm pin của Nyobolt.

Sản phẩm pin của Nyobolt.

Tiên phong đưa vonfram vào công nghệ pin

“Nyobolt đã thực hiện một cuộc ‘cách mạng’ trong việc nâng cao hiệu suất của pin Li-ion, giúp người dùng thay đổi cách sử dụng xe điện, thiết bị y tế và các thiết bị tự động”, hội đồng bình chọn của Financial Times đánh giá khi đưa Nyobolt vào danh sách các tên tuổi lọt vào vòng chung kết cùng với 4 công ty khác trong lĩnh vực năng lượng.

Cuộc thi năm nay được phát động để tôn vinh những công ty châu Âu đã sử dụng công nghệ để xoay chuyển công việc kinh doanh của họ sang những cách thức mới. Gần 300 đề cử đã được đưa ra trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu năng lượng, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, ảnh hưởng của đại dịch và cuộc xung đột tại Đông Âu.

Nyobolt đã được chọn vào vòng chung kết nhờ công nghệ độc đáo trong pin Vonfram Li-ion, giúp tăng khả năng sạc nhanh và tăng độ bền của pin.

Hội đồng giám khảo của Financial Times sẽ chọn ra mười công ty chiến thắng ở các hạng mục khác nhau, từ Năng lượng, Phần mềm-Công nghệ; Vận chuyển – Giao hàng; Dịch vụ Thị trường-Tài chính...Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 21 tháng 11.

Đây là bước tiến lớn của Nyobolt từ sau khi tiếp nhận khoản đầu tư trị giá 45 triệu bảng Anh (khoảng 52 triệu Euro) hồi tháng 7/2022 từ H.C. Starck Tungsten Powders (HCS) - công ty con của Masan High-Tech Materials. Khoản đầu tư này được tập trung để phát triển dòng pin ứng dụng vonfram.

Nyobolt ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Masan High-Tech Materials vào tháng 7/2022.

Nyobolt ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Masan High-Tech Materials vào tháng 7/2022.

Theo Nyobolt, vật liệu công nghệ cao của HCS được sử dụng ở cực anode giúp dòng pin Li-ion có mật độ năng lượng cao kỷ lục và khả năng sạc tốc độ cực nhanh, khắc phục được các nhược điểm của pin Li-ion thông thường như nhạy cảm, dễ hư hỏng do nhiệt và giá cao. Đặc biệt, dòng pin này có độ an toàn rất cao, giảm nguy cơ cháy nổ trong quá trình sử dụng. Các thử nghiệm của Nyobolt cho thấy, với kích thước như pin Li-ion thông thường nhưng pin ứng dụng vonfram có hiệu suất gấp 10 lần và có thể sạc đầy 90% chỉ trong 5 phút và đặc điểm nổi trội này giúp người sử dụng tiết kiệm được nhiều chi phí.

Trong tương lai không xa, vật liệu vonfram công nghệ cao được sử dụng sản xuất pin Li-ion được kỳ vọng là giải pháp công nghệ đột phá, thay đổi cục diện ngành công nghiệp sản xuất pin. Bên cạnh đó, dòng pin sạch này chính là giải pháp mới để Nyobolt và HCS tiên phong thiết lập một hệ sinh thái năng lượng sạch khi thương mại hóa sản phẩm này trong thời gian tới.

Các sản phẩm Vonfram chế biến sâu của Masan High-Tech Materials.

Các sản phẩm Vonfram chế biến sâu của Masan High-Tech Materials.

Ông Danny Le - Chủ tịch HĐQT Masan High-Tech Materials cho biết Masan High-Tech Materials đang hướng tới sản xuất chế biến sâu, trở thành một doanh nghiệp hàng tiêu dùng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu.

Theo đó, thương vụ đầu tư vào Nyobolt chính là sự cam kết của tập đoàn này để tạo những sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trực tiếp. Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ Nyobolt sớm thương mại hóa pin vonfram, trong năm 2022, Masan High-Tech Materials tiếp tục tập trung tái chế nguyên vật liệu thô, thực thi sáng kiến trung hòa cácbon, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn. “Mục tiêu quan trọng nhất của Masan High-Tech Materials là hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, ở đó chúng tôi có thể tái chế các sản phẩm để thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả”, ông Danny Le nói.

Công nghệ tái chế đẳng cấp của Masan High-Tech Materials tại H.C. Starck.

Công nghệ tái chế đẳng cấp của Masan High-Tech Materials tại H.C. Starck.

Ông Danny Le cho biết, Masan High-Tech Materials và công ty con là HCS đang xúc tiến tìm hiểu nghiên cứu để triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế vonfram đầu tiên tại Việt Nam. Đây là dự án Masan kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Ông Danny Le khẳng định, pin vonfram hiệu suất cao chỉ là sản phẩm bước đầu. Đến năm 2027, Masan không những là nhà cung ứng vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới mà còn trực tiếp tham gia thị trường các sản phẩm tiêu dùng công nghệ toàn cầu.

Tech Champions là chương trình bình chọn do Financial Times tổ chức, được khởi xướng năm 2021 do độc giả Financial Times đề cử các công ty tại châu Âu trong lĩnh vực công nghệ đáp ứng xuất sắc những thách thức kinh doanh liên tục thay đổi. Năm nay, chương trình nhận được gần 300 đề cử, Financial Times đã xem xét, nghiên cứu danh sách và lập ra danh sách rút gọn tại 10 hạng mục. Những công ty được đề cử năm nay là những đại diện tiêu biểu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng, đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế và ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến sự tại Đông Âu và các biến cố mới xuất hiện sau đại dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...