Tây Nguyên và những con số ấn tượng trước năm học mới

GD&TĐ - Chi hàng trăm tỷ đồng cho sửa chữa trường lớp, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo… các tỉnh Tây Nguyên đã vượt khó để tự tin bước vào năm học mới với sự nỗ lực của Ngành, sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Tây Nguyên và những con số ấn tượng trước năm học mới

Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: 38.397 học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ sách giáo khoa

Chuẩn bị cho năm học 2014 - 2015, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức ôn tập hè nghiêm túc để, củng cố, bổ sung kiến thức và kỹ năng cho những học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học/cấp học để hoàn thành chương trình lớp/cấp học.

Đồng thời, chỉ đạo, yêu cầu các trường tiểu học thực hiện Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), trong thời gian hè triển khai dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1, học sinh lớp 2 để tạo tâm thế tốt cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.

Sở GD&ĐT Kon Tum đã yêu cầu từng cơ sở giáo dục rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có kế hoạch mua sắm, bổ sung, sửa chữa trường lớp…, đặc biệt là các điều kiện để tổ chức ăn, ở, học tập, sinh hoạt bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Ông Nguyễn Sỹ Thư

Ngành GD&ĐT cũng đã tổ chức có hiệu quả, thiết thực các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) và giáo viên cốt cán các bậc học mầm non, cấp học phổ thông, giáo dục thường xuyên. 

Đồng thời triển khai một số chuyên đề và quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 - 2015 cho đội ngũ CBQLGD các cấp, bậc học trong toàn tỉnh.

Yêu cầu các cơ sở giáo dục, nhất là cấp học mầm non, tiểu học, THCS điều tra, thống kê, cập nhật số trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn để có kế hoạch huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp.

Các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố đã triển khai kịp thời việc luân chuyển CBQLGD, giáo viên; xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộ công chức…

Trước khi bước vào năm học mới, Sở và các Phòng GD&ĐT đã thành lập nhiều đoàn công tác về cơ sở, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để nắm bắt tình hình triển khai năm học. 

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí địa phương mở các kênh truyền thông, tuyên truyền về nhiệm vị năm học 2014 - 2015.

Các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đưa trẻ đến trường. Ngày 18/8/2014, học sinh các cấp/bậc học trong toàn tỉnh đã tập trung tựu trường với không khí vui vẻ, phấn khởi để sẵn sàng cho năm học mới.

Khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT Kon Tum là số học sinh DTTS không được hưởng chính sách hỗ trợ học tập theo Nghị định số 74 của Chính phủ khá lớn, và số học sinh này sẽ có nguy cơ thiếu sách giáo khoa (SGK) để học tập.

Trước vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tổ chức rà soát, thống kê số học sinh phổ thông không được hưởng chính sách hỗ trợ học tập, có nhu cầu hỗ trợ SGK để ngành có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng học sinh này.

Cả tỉnh có 38.397 học sinh DTTS có nhu cầu hỗ trợ SGK, trong đó có 22.565 học sinh được hỗ trợ SGK từ tủ SGK dùng chung, SGK từ học sinh lớp lớn tặng lớp bé, nguồn SGK từ các chương trình dự án, từ các đơn vị trong ngành giáo dục hỗ trợ…

Còn lại, số học sinh DTTS từ lớp 1 đến lớp 12 thiếu SGK cần hỗ trợ là 15.832 học sinh. Địa phương đã phát động phong trào huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân cùng với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên toàn ngành.

Hiện nay, số SGK đã đưa về các cơ sở giáo dục kịp thời cho học sinh đảm bảo đủ SGK để các em học tập ngay đầu năm học.

Nhìn chung, việc chuẩn bị cho năm học 2014 - 2015 đã sẵn sàng, cơ bản đáp ứng các hoạt động giáo dục.

Ông Trương Anh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông: Trên 100 tỷ đồng xây phòng học

Năm học 2013 - 2014 đi qua với nhiều kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT. Để duy trì và phát huy những thành quả đó, đáp ứng những đòi hỏi đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, năm nay, GD&ĐT Đắk Nông đang tích cực chuẩn bị những yếu tố cơ bản cho năm học mới.

Hiện toàn tỉnh có 362 trường, tăng 6 trường so với 2013 - 2014 với có khoảng 150.000 học sinh, tăng gần 3000 em.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã đưa sách vở về đến tận tay học sinh, đảm bảo đến cuối tuần này sẽ cấp phát đủ cho các em.

Ông Trương Anh

Chuẩn bị cho năm học mới, Đắk Nông đã và đang xây dựng 201 phòng học với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Huyện xây dựng được nhiều nhất là Đăk Glong với 49 phòng. Bậc học mầm non được xây dựng nhiều nhất với 134 phòng.

Theo đề án kiên cố hóa nhà công vụ giáo viên của UBND tỉnh, tỉnh Đắk Nông cần 262 phòng học cho bậc mầm non và trong năm 2013 - 2014, đã có thêm 73 phòng học được xây dựng; số phòng xây dựng trong 2 năm là 207, đạt 80% kế hoạch.

Đồng thời, trong năm nay, để giải quyết tình trạng thiếu công trình nước sạch, nhà vệ sinh ở các trường học, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh cũng đã đầu tư 32 tỉ để xây dựng 97 công trình vệ sinh và nước sạch cho trường học.

Ngoài ra, kinh phí được UBND tỉnh bố trí mua trang thiết bị mầm non khoảng 9 tỷ, ngoài ra bằng nguồn vốn ngân sách huyện, thị các nguồn vốn hợp pháp khác, các trường còn được đầu tư khoảng 8 tỷ nữa.

Tỉnh Đăk Nông còn có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh dân tộc, học sinh vùng 135, con em gia đình mồ côi, mỗi em được một bộ sách giáo khoa, một số vở viết tùy theo cấp học, tổng kinh phí trên dưới 14 tỷ.

Về giáo viên, theo báo cáo của các huyện thị, cả tỉnh thiếu khoảng 359 giáo viên, trong đó mầm non nhiều nhất: 212 giáo viên, THPT ít nhất 30 giáo viên.

Có thể nói, với sự chỉ đạo tích cực, đầy trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cấp quản lý GD&ĐT, ngành GDĐT tỉnh Đắk Nông đã sẵn sàng cho một năm học mới.

Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhật, Đắk Nông vẫn còn một số khó khăn, cần nhiều năm nữa mới khắc phục được.

Đó là, số phòng học tạm, mượn, bán kiên cố xuống cấp còn nhiều; lượng giáo viên có trình độ trung bình còn nhiều, ý thức tự học nâng cao tay nghề chưa được quan tâm đúng mức;

Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên ngại đổi mới, chưa mạnh dạng ứng dụng những phương tiện kĩ thuật hiện đại vào quá trình đổi mới phương pháp, đổi mới nội dung quản lý cũng như dạy và học;

Gần đây, trên một số phương tiện thông tin, đưa tin hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm hoăc có việc làm không phù hợp với ngành nghề được đào tạo đã tác động phần nào vào tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ảnh hưởng đến động cơ, ý thức học tập của học sinh, ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến lớp, việc duy trì sĩ số học sinh.

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), ngành GD&ĐT tỉnh Đăk Nông đang tích cực tham mưu ban hành Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh.

Trước mắt, trong năm học tới đây, ngành GD&ĐT Đắc Nông tập trung hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi đúng thời hạn của trung ương; đánh giá đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, nhất là giáo viên tiếng Anh; xây dựng một số mô hình trường học chất lượng cao;

Thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý đáp ứng với sự thay đổi chung toàn ngành; đổi mới công tác thi; quản lý điểm số; tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp;

Mở thí điểm một số lớp dạy tiếng M"Nông cho học sinh dân tộc M"Nông tiểu học;

Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo tinh thần nghị quyết 29 của Trung ương.

Ông Phan Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: 53 tỷ đồng hỗ trợ sách vở cho học sinh nghèo

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cho tới thời điểm này, về cơ bản, Đắk Lắc đã sẵn sàng bước vào năm học mới.

Sở GD&ĐT đã chuẩn bị rà soát cơ sở vật chất và những nội dung liên quan để chuẩn bị cho khai giảng. Ngay từ trong hè, công tác bồi dưỡng giáo viên các môn học đã được nghiêm túc triển khai. Đội ngũ giáo viên đủ để đáp ứng yêu cầu dạy học. Sở GD&ĐT Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ tổng kết năm học vào ngày 27/8 tới.

Không thể phủ nhận, khó khăn còn nhiều. Ngành Giáo dục mình nói chung ở đâu cũng còn khó khăn, trong đó, đặc biệt là về cơ sở vật chất, phòng lớp học, trang thiết bị, nhất là các phòng chức năng, thí nghiệm thực hành.

Tại Đắk Lắk, tỷ lệ trường kiên cố của tỉnh mới đạt khoảng trên 60%. Ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục đã có dự toán và cơ quan tài chính cũng đã đề nghị với tỉnh cấp cho khoảng trên 40 tỷ để hỗ trợ các trường sửa chữa xây dựng nhỏ để phục vụ năm học mới.

Bởi vậy, không có trường nào trong tỉnh vì điều kiện cơ sở vật chất khó khăn mà không thể khai giảng đúng quy định.

Đến nay, tỉnh cũng đã cơ bản phân phối sách vở theo chế độ chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo với tổng kinh phí lên khoảng 53 tỷ; đảm bảo các đối tượng này sẽ có sách vở trước ngày khai giảng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Đắk Lắk trong năm học mới là nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung vào đổi mới phương pháp, đổi mới cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang dạy cho học sinh kỹ năng, thực hành, nắm bắt tính thực tiễn của nội dung môn học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.