Tây Nguyên: Mùa xuân đang về

Tây Nguyên: Mùa xuân đang về

(GD&TĐ) - Tây Nguyên với những tên đất, tên người đã gắn với lịch sử của cả dân tộc như căn cứ Chư Pao, làng STơr, chiến thắng Đăk Pơ, Plei Me, Đăk Tô - Tân Cảnh và tên tuổi những người anh hùng đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước như anh hùng Núp, Nơ Trang Lơng, Bok Mêt, Kơ Pa Kơ Lơng, anh hùng A Sanh, người lái đò đưa bộ đội vượt sông Pô Kô huyền thoại…

Từ một vùng đất bom cày, đạn xới, Tây Nguyên nay đang từng ngày trỗi dậy. Vẫn còn đó thưở nguyên sơ với chim Chơ Rao tung cánh, hoa Pơ Lang thắm đỏ, có tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng… Nhưng cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đổi thay, tươi tốt…

Miền đất đỏ Tây Nguyên với hoa cúc quỳ nở vàng rực rỡ, những lô cao su xanh thẳm buôn làng, những vườn cà phê, chè, hồ tiêu xum xuê, trĩu trịt. Tôi gặp A Thút, người dân tộc Xơ Đăng ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ông cười tươi rồi cầm chặt lấy tay tôi: “Vui nhiều rồi. Cà phê được mùa, giá lại cao, ruộng no nước cho cái lúa nhiều bông”. Theo A Thút, người dân tộc Xơ Đăng ở vùng quê này xưa kia nghèo đói lắm . Người dân phải vào rừng đào củ, lấy rau kiếm sống qua ngày. Bây giờ no cái bụng, lũ trẻ có trường học khang trang, có trạm y tế, nhà tái định cư xây tươi rói lại càng nhớ đến công lao của Đảng bộ, chính quyền huyện, tỉnh đã lo cho dân từng miếng cơm, tấm áo. A Thút còn được dẫn cả đội cồng chiêng của làng sang tận nước Mỹ biểu diễn nữa. “Đúng như là một giấc mơ” - ông nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã lo cho dân, bà con dân làng vui cái bụng lắm cán bộ à”.

Thiếu nữ Tây Nguyên e ấp trong tiếng cồng chiêng

Thiếu nữ Tây Nguyên e ấp trong tiếng cồng chiêng 

Tôi gặp cụ Kso Ní, người dân tộc Jơ Rai, một trong những cán bộ lão thành của tỉnh Gia Lai thời chống Pháp. Cụ là thân sinh của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Kso Phước. Chuyện tâm đắc nhất với cụ vẫn là những năm tháng hào hùng đánh giặc, giữ làng. Rồi bàn chuyện hôm nay, chuyện điện đã về tận các buôn làng biên giới Kon Chơ Ro, ChưhPả, Ia Grai, Krông Pa… đường giao thông xẻ núi về với “ốc đảo” Kon Pne – vùng căn cứ kháng chiến. Rồi chuyện về chợ búa, trường học, trạm xá và những cánh đồng ngô, lúa bạt ngàn, quanh năm xanh ngắt nhờ công trình thuỷ lợi A Yum Hạ. Cụ rất xúc động khi nhắc lại lời bác sĩ Y Ngông Niek KĐăm đã từng thay mặt đồng bào Tây Nguyên nói lên ý chí sắt đá: “Có sức mạnh nào cản nổi núi rừng Tây Nguyên không đi theo cách mạng? Không, không có sức mạnh nào cản nổi đồng bào Tây Nguyên đi theo cách mạng. Núi rừng Tây Nguyên luôn thương nhớ và mãi mãi đi theo Bác Hồ…”

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên gồm 55.000 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Dân số hiện có gần 5 triệu người, trong đó khoảng 1,6 triệu là đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 47 dân tộc anh em. Đây là địa bàn chiến lược về quốc phòng – an ninh và được coi là triển vọng để phát triển một nền kinh tế mở. Ở vào vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có hệ thống giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền trung và Đông Nam Bộ. Đây là khu vực nằm cả Đông và Tây Trường Sơn nên đất đai, địa hình, khí hậu đa dạng. Độ cao trung bình toàn vùng từ 600 đến 800m so với mặt biển. Nhưng có nơi rất thấp như khu vực biên giới thuộc tỉnh Đăk Lăk chỉ cao 200 mét  và nơi cao nhất là thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) là 1500 mét. Tây Nguyên có nhiều dãy núi trùng điệp cao trên 2000 mét: Lang Bi Ang, Ngọc Linh, Cư Yang Sin, Ngọc Niay, Chư Hmu…

Đến Tây nguyên hôm nay, cho dù ở phố phường hay tít tắp vùng sâu, người dân không còn chỉ lo cho “cái bụng” như vài năm trước mà đã hướng đến của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Ví như gia đình chị Rơ Châm Buk, người dân tộc Jơ Rai ở xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Chị dẫn chúng tôi vào nhà rồi tâm sự: “Tôi là công nhân công ty cao su Chư Prông, làm cao su bây giờ lương cao, thưởng lớn, thật là ưng cái bụng lắm”. Lương chị mỗi tháng trên 5 triệu đồng, chưa tính thưởng nếu vượt khoán. Rồi như vợ chồng trẻ Rơ Mah Bli và Siu Keng ở làng Kla Xá, xã Chư Đrăng. Với 3 ha cao su nhận khoán, có những tháng thu về gần 15 triệu đồng. Tôi còn gặp những gia đình ở chân núi Chư Prông như Kpả Y Hyoi, Siu Lun, Rơ Mah Lớ… đều bắt gặp ở họ những gương mặt rạng ngời, toát lên một cuộc sống no đủ, ấm êm trên đất Tây Nguyên hùng vĩ. Tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ ngân xa hơn, cả trai gái trong làng hát thêm hay, múa thêm đẹp vòng xoang mừng đón xuân về. Tôi đi trong miên man giữa núi rừng Chư Prông xanh thẳm mà lòng phấn chấn, nghĩ về công cuộc đổi mới thật là kỳ diệu.

Hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm xây dựng phát triển địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đến nay, nền kinh tế nhiều thành phần đang hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng có hướng phát triển mới: 98% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học; gần 80% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 98,49% số xã có trạm y tế; 93, 34% có đường ô tô đến trung tâm xã. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm qua đạt trên 11%. Đã xóa được hàng chục ngàn hộ đói nghèo.

Sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên phát triển khá nhanh. Cùng với việc bảo đảm lương thực tiêu dùng cho nhân dân trong vùng, đến nay đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh cây công nghiệp như: cà phê khoảng 471.000 ha; chè 28.000 ha; điều 90.000.ha; hồ tiêu 15.700 ha. Chăn nuôi tiếp tục phát triển với khoảng 600.000 con bò, trên 70.000 con trâu. Sản xuất công nghiệp ở Tây Nguyên những năm gần đây tăng trưởng trung bình 15%/năm. Trong đó đáng kể là về phát triển của hệ thống nhà máy chế biến nguyên liệu như: Hạt điều, tinh bột sắn, cà phê, cao su, gỗ ván… Là một trong hai trung tâm sản xuất thủy điện lớn nhất cả nước. Hiện nay trên các hệ thống sông chính của Tây Nguyên đã và đang xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như: Ya Ly, Plei Krông, A Yum Hạ, Sê San, An Khê – Kanak, Buôn Kuốp, Ry Ninh… với tổng công suất dự kiến lên đến 5000 MW, chiếm 25% tổng công suất các nguồn điện của cả nước đến năm 2010 và có thể sản xuất 14 tỷ KWh điện mỗi năm.

Hiện nay Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển và cơ hội đầu tư rất mạnh mẽ. Đặc biệt là tài nguyên về rừng với tổng diện tích tự nhiên 3.868.400 ha, trữ lượng gỗ rừng là 411.301.000 m3, trữ lượng tre nứa là 3,5 tỷ cây. Ngoài ra còn có lợi thế lớn về đất đỏ bazan với 1,5 triệu ha, phân bổ trên cao nguyên Plei Ku, Buôn Ma Thuột, Lâm Viên, Di Linh … được xếp vào loại đất tốt nhất thế giới. Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: Than bùn, than nâu, sét cao lanh và nhất là bô xít có trữ lượng rất lớn dự đoán khoảng 4,5 tỷ tấn, phân bổ ở Đăc Nông, Lâm Đồng.

Tây Nguyên cùng 47 dân tộc thiểu số anh em trên vùng đất kiên cường Tây Nguyên, những người chủ của núi, của rừng đã và đang phấn đấu kiên cường, bền bỉ cùng với sự tiếp sức của cả nước để có cuộc sống mới đang sang trang từng ngày, ta nghe âm hưởng từ cuộc sống dội về như nặng sâu tình dân, nghĩa Đảng. Trên những cánh rừng cao su, cà phê, hồ tiêu tươi tốt, văng vẳng bên tai bài hát “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân vọng lại: “Bài ca Tây Nguyên, em yêu trọn đời, cầm tay anh dắt em đi trên đường dài…”. Đó chính là con đường sáng mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đi theo Đảng, theo Bác Hồ, vì một Tây Nguyên hôm qua anh hùng, hôm nay giàu đẹp.

Nguyễn Khánh Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ