Taurus có nguy cơ mang đạn hạt nhân đến chiến sự?

GD&TĐ - Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Berlin có thể phê duyệt việc chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine trong thời gian tới.

Tên lửa Taurus có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Taurus có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Taurus xuất hiện cùng đạn hủy diệt

Tuyên bố được ông Olaf Scholz đưa ra trước truyền thông Đức khi nói về gói viện trợ quân sự sắp tới Berlin dành cho Kiev. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo này không tiết lộ về thời điểm cũng như số lượng Taurus sẽ được chuyển cho Ukraine.

Sevim Dagdelen, thành viên của Đảng cánh tả đối lập ở Đức, đã bày tỏ quan ngại rằng những tên lửa này, có thể được trang bị cả đầu đạn hạt nhân.

Vấn đề này hiện đang được thảo luận nghiêm túc tại Đức.

Không chỉ quan ngại về khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bà Sevim Dagdelen nói thêm rằng bà cũng muốn biết liệu chính phủ có giải quyết vấn đề hạn chế tầm bắn của những tên lửa hành trình Taurus khi chúng được chuyển cho Kiev hay không?

Những câu hỏi của Sevim Dagdelen đã được Thomas Hitschler, Quốc vụ viện của Bộ Quốc phòng Liên bang trả lời trong một bản báo cáo rằng: Thông tin được yêu cầu không thể tiết lộ công khai do tính chất mật của nó.

Những thông tin được đưa ra sau khi Dagdelen cảnh báo rằng Ukraine nhận được tên lửa Taurus, có tầm bắn 500 km và có khả năng tấn công các thành phố nằm sâu trong lãnh thổ Nga, sẽ dẫn đến một sự leo thang nguy hiểm hơn nữa và rõ ràng đẩy Đức tới một cuộc chiến trực tiếp với Nga.

Bà không tin tưởng những gì Kiev đã cam kết với Berlin về việc kiểm soát và tránh tấn công các mục tiêu ở Nga bằng những tên lửa Taurus và gọi niềm tin của Đức là ngây thơ.

"Xét cho cùng, Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, trong đó các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào Moscow là bằng chứng rõ ràng nhất", Dagdelen nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin sẽ quyết định có cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh lý do chậm chuyển Taurus không phải vì thiếu tin tưởng hay thiếu quyết đoán mà là do Berlin đang dành thời gian cần thiết để đánh giá hậu quả tiềm ẩn của mọi hành động.

Theo Pistorius, Đức phải cân nhắc vô số khía cạnh chính trị, pháp lý, quân sự và kỹ thuật trong quyết định này.

Đức cùng với các đồng minh khác của Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine ngay sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner mới đây cho biết Berlin có ý định hỗ trợ quân sự 5,3 tỷ USD mỗi năm cho Ukraine cho đến năm 2027. Đức đã viện trợ 23,4 tỷ USD cho Ukraine kể từ đầu xung đột.

Phản ứng của Nga

Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1, ông Dmitry Peskov, Phát ngôn Điện Kremlin đã cảnh báo rằng việc Đức cung cấp những tên lửa tầm xa Taurus sẽ chỉ dẫn đến sự leo thang hơn nữa.

"Bây giờ chúng ta đã thấy rằng cuộc thảo luận bắt đầu về việc chuyển giao các tên lửa có tầm bắn từ 500 km trở lên. Đây là một loại vũ khí rất nguy hiểm, cuối cùng sẽ dẫn đến một vòng xoáy căng thẳng leo thang khác", ông Peskov nói.

Vào tháng 5, các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Đức tiết lộ rằng Ukraine đã gửi yêu cầu đề nghị Berlin cung cấp tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn hơn 500 km.

Tên lửa sử dụng hệ thống định vị GPS được hỗ trợ bởi hệ thống khớp đường viền địa hình. Máy ảnh nhiệt tương tự được sử dụng để điều hướng địa hình giúp tên lửa hướng về mục tiêu trong pha tiếp cận cuối bằng cách sử dụng hình ảnh phù hợp.

Taurus có thể so sánh với tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow của Anh-Pháp, mà Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine vào đầu tháng 5. Ukraine đã nhận được phiên bản xuất khẩu của Storm Shadow với phạm vi hạ cấp từ 560 km xuống chỉ còn 250.

Nhưng không có phiên bản hạ cấp nào của Taurus, điều đó có nghĩa là nếu đến Ukraine, đây sẽ là phiên bản gốc mà về lý thuyết có thể tấn công tới thủ đô Moscow.

Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022. Moscow nhiều lần tuyên bố rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây chỉ kéo dài xung đột, và các chuyến hàng viện trợ vũ khí đó là mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga.

Clip hệ thống Grad Nga khai hỏa trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ