Voyager 1 đang ở trong cuộc hành trình mới - Ảnh: NASA/Caltech |
Voyager 1 đã gây chấn động dư luận vào năm ngoái khi các nhà khoa học NASA tuyên bố tàu du hành của Mỹ đã rời khỏi nhật quyển, tức bong bóng khổng lồ gồm các hạt điện tích và từ trường bao quanh mặt trời vào tháng 8.2012.
Họ đã rút ra kết luận trên sau khi phân tích các kết quả đo đạc do tàu Voyager 1 thu được trong quá trình mặt trời tung ra một đợt sóng sốc gọi là sự phun trào vật chất ở vành nhật hoa (CME).
Sóng xung kích từ sự kiện này đã khiến các hạt điện tích bao quanh con tàu rung động đáng kể, mở ra cơ hội để các nhà khoa học tính toán được mật độ của môi trường xung quanh.
Kết quả cho thấy mật độ của thể plasma cao hơn nhiều so với các lớp ngoài cùng của nhật quyển, cho thấy Voyager 1 đã tiến vào một môi trường vũ trụ hoàn toàn mới sau 35 năm rong ruổi xuyên hệ mặt trời.
Đợt bùng nổ CME xảy ra vào tháng 3.2012 và sóng xung kích lan đến Voyager 1 vào tháng 4.2013.
Giờ đây, các chuyên gia NASA tiếp tục thu được chứng cứ mới nhờ vào đợt CME thứ 3 đã được Voyager 1 quan sát vào tháng 3 năm nay, theo Space.com.
“Chúng tôi vô cùng phấn khích khi phân tích những dữ liệu mới này”, theo chuyên gia Don Gurnett của Đại học Iowa (Mỹ), trước khi xác nhận Voyager 1 đã vào không gian liên vì sao.