Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton đang bước vào giai đoạn then chốt của cuộc bầu cử (ảnh: Chicago Tribune)
Chỉ còn 6 tuần lễ nữa là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Ngay từ bây giờ, cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đang chạy đua với thời gian nhằm tổ chức những chương trình vận động bầu cử, lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri.
Theo lịch trình, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ phải trải qua 3 vòng tranh luận từ nay cho đến khi “ngày quyết định” diễn ra vào ngày 8/11 tới.
Các cuộc tranh luận này có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với cả hai ứng cử viên, qua đó phần nào quyết định ai có thể trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra khi nào?
Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ diễn ra vào 21 giờ ngày hôm nay 26/9 (theo giờ Mỹ) tới tại khán phòng Đại học Hofstra, New York. Trong vòng 90 phút tranh luận trên NBC News, mỗi ứng cử viên sẽ trình bày quan điểm cũng như đưa ra các luận điểm nhằm phản đối lập trường của đối phương trong 6 vấn đề có liên quan đến chủ đề của cuộc tranh luận. Đối với mỗi chủ đề, người dẫn chương trình sẽ đặt câu hỏi và các ứng cử viên sẽ phải trả lời trong vòng 2 phút.
Ba chủ đề của cuộc tranh luận đầu tiên trong mùa bầu cử năm nay là “Phương hướng của nước Mỹ”, “Đạt tới sự thịnh vượng” và “Đảm bảo an ninh cho nước Mỹ”. Các vấn đề liên quan đến chủ đề này đã được chủ tọa của cuộc tranh luận gửi tới hai ứng cử viên tổng thống trước 1 tuần để hai người có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu những điểm mạnh yếu của đối phương.
Ai sẽ tham gia tranh luận?
Hai nhân vật chính của cuộc tranh luận này, không ai khác chính là hai ứng cử viên tổng thống thuộc 2 chính đảng lớn của Mỹ là Donald Trump của đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Hai ứng cử viên tổng thống của các đảng thứ ba, bà Jill Stein và ông Gary Johnson không được mời tham gia tranh luận bởi vì họ không đạt được tỷ lệ ủng hộ cần thiết là ít nhất 15% trong 5 cuộc thăm dò công chúng mà Ủy ban đặc trách cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã chọn hồi tháng trước.
Tại Việt Nam có thể xem cuộc tranh luận như thế nào?
Cả ba cuộc tranh luận đều được tường thuật trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn của Mỹ như ABC, NBC, Fox, CBS, MSNBC, Fox News, CNN, Univision, hoặc C-SPAN. Tại Việt Nam, người quan tâm có thể xem trên kênh truyền hình CNN, được phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp Việt Nam.
Nếu không có điều kiện xem trên TV, người Việt Nam có thể xem trực tiếp trên website của các kênh truyền hình đã nói đến ở trên. Ngoài ra, các trang web khác như Buzzfeed News, The Daily Caller, Huffington Post, Politico, Yahoo, Telemundo, Wall Street Journal và Hulu cũng livestream (truyền trực tiếp) toàn bộ cuộc tranh luận.
Bên cạnh đó, mọi diễn biến của cuộc tranh luận cũng được cập nhật trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat và Youtube. Đặc biệt, Youtube sẽ truyền tải mọi phân tích từ các chuyên gia đến từ các đài truyền hình và tờ báo lớn của Mỹ như NBC News, PBS, Fox News, The Washington Post, Bloomberg, và Telemundo.
Vì sao Trump – Clinton là “cuộc tranh luận thế kỷ”?
Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tranh luận đang được gấp rút hoàn thiện (ảnh: Getty)
Cuộc tranh luận trực tiếp ngày 26/9, diễn ra 6 tuần trước ngày bầu cử 8/11, dự kiến thu hút lượng người xem cao kỷ lục. Theo các nhà phân tích, nếu 4 năm trước, số người xem tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Obama với ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney là 70 triệu, thì lần này dự kiến sẽ có tới 100 triệu người xem, tức gần 1/3 dân số Mỹ. Số khán giả dự kiến của cuộc đối đầu trực tiếp giữa bà Clinton và ông Trump có thể tương đương con số 115 triệu người xem trận chung kết bóng bầu dục nhà nghề Mỹ Super Bowl năm 2015 - một sự kiện truyền hình vốn “nóng” nhất tại Mỹ hàng năm.
Kể từ khi tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên tổng thống trên sóng truyền hình trở thành một sự kiện thông lệ vào năm 1960, mới chỉ có cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Jimmy Carter và Ronald Reagan hồi năm 1980 là thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Mỹ, với hơn 80 triệu người xem qua màn ảnh nhỏ, theo số liệu từ hãng thăm dò thị trường Nielsen.
Hai ứng cử viên đã chuẩn bị những gì?
Hiện tại, hai ứng viên đều đang tích cực chuẩn bị cho cho trận chiến quyết định này. Mặc dù đang dẫn trước đối thủ trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, bà Clinton vẫn tỏ ra hết sức thận trọng. Cách đây vài tuần, ê-kíp tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ đã bổ nhiệm hai cố vấn lâu năm là Ron Klain và Karen Dunn phụ trách nội dung các bài diễn văn.
Bên cạnh việc “mổ xẻ” những đề xuất chính sách của ông Trump, bà cũng nghiên cứu các video vận động tranh cử của tỷ phú này để tìm ra điểm yếu của đối thủ. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, mặc dù sở hữu bề dày kinh nghiệm hoạt động trên chính trường Mỹ, bà Clinton vẫn còn thiếu khả năng diễn thuyết đi vào lòng người và thu hút đám đông – điểm yếu mà một nhân vật đã “nhẵn mặt” trên các chương trình truyền hình như Donald Trump sẽ tập trung khai thác.
Trong khi đó, tỷ phú bất động sản Trump đang nắm trong tay những con “át chủ bài” giúp ông chiếm lợi thế trước đối thủ trong các cuộc tranh luận sắp tới. Nổi bật trong đó là cựu giám đốc kênh truyền hình Fox News Roger Ailes, người có thể hỗ trợ Trump về kỹ năng và chiến thuật tranh luận.
Sự non kém của Trump trong các chính sách đối nội và đối ngoại có thể được hỗ trợ bởi Trung tướng về hưu Mike Flynn, người từng giữ chức giám đốc Cục quân báo (Bộ Quốc phòng Mỹ) trong giai đoạn 2012-2014. Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự xuất hiện của một người có tính cách thất thường và “cáo già” như Donald Trump tại cuộc tranh luận lần này, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra và do vậy “nhân tố” Donald Trump sẽ càng thu hút người xem.