Tất cả là vì quyền lợi của người học

Tất cả là vì quyền lợi của người học

(GD&TĐ) - Chỉ trong vòng một tháng, sau khi thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo và thực hiện cam kết của các trường trong quá trình đào tạo, Bộ GD-ĐT đã liên tiếp ra 2 quyết định xử lý nhiều  trường ĐH-CĐ và các công ty khi không đáp ứng được những điều kiện đào tạo và tuyển sinh không đúng chức năng cho phép. Điều đó cho thấy, Bộ GD-ĐT đang quyết tâm xiết chặt chất lượng đào tạo bậc ĐH, chỉnh đốn và định hướng lại cơ cấu đào tạo hiện nay ở các trường. Tất cả là vì quyền lợi của người học.

* Vi phạm trắng trợn 

Phụ huynh làm việc với ban giám đốc Raffles
Phụ huynh làm việc với ban giám đốc Raffles

Điều khiến dư luận đặc biệt chú ý trong thời gian qua chính là quyết định dừng tuyển sinh năm học 2012 của Bộ GD-ĐT đối với 3 trường ĐH-CĐ, cùng một số ngành tại một số trường khác, khi các trường không đáp ứng điều kiện giảng dạy, cũng như cam kết của mình. Trong đó, sự kiện đáng chú ý nhất chính là việc Bộ ra quyết định xử phạt 4 công ty TNHH nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (Erc Việt Nam), Công ty TNHH Ila Việt Nam (ILa Việt Nam) và Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam, với số tiền hơn 200 triệu đồng, đồng thời buộc các công ty này (cả Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM)) phải dừng các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép các trình độ đã ký kết với đối tác nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. 

Đây được xem là một hành động kiên quyết, mang tính răn đe mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT đối với các cơ sở đào tạo coi thường những quy tắc, và bất chấp luật lệ cùng sự cho phép của Bộ.  Dù chỉ được tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT ngành Tài chính - Kế toán và Quản trị doanh nghiệp, nhưng IABM vẫn tự ý tuyển sinh và đào tạo các bậc học MN, THPT, TCCN, CĐ, ĐH thậm chí IABM đã ký kết thỏa thuận liên kết với Công ty NSSDC Education Services Sdn, Malaysia để đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Việt Nam mà không cần hỏi ý kiến Bộ. 

Tương tự, Trường Quốc tế Raffles Việt Nam thực chất chỉ là Trung tâm Dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles với 100% vốn nước ngoài và được Sở LĐTB-XH TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề sơ cấp (từ 12 tháng trở xuống). Tuy nhiên, vì lợi nhuận Raffles đã bất chấp luật lệ, tự xưng là trường Quốc tế Raffles rồi tuyển sinh đào tạo hàng loạt ngành có trình độ cao đẳng, cử nhân vượt quá chức năng và năng lực đào tạo dưới hình thức đào tạo tích lũy tín chỉ, cấp chứng chỉ cấp 1, cấp 2 và cấp 3 thuộc chương trình cao đẳng của Raffes College of Higher Education Singapore (RCHE) và cử nhân của Raffles College of Design and Commerce, Sydney, Úc (RCDC). Hiện trường còn 396 HV đang “mắc kẹt” với chương trình của RCDC và 202 HV đã được cấp bằng của RCHE. 

Luật sư Vũ Đức Cường
Luật sư Vũ Đức Cường

Vụ việc liên kết đào tạo ở Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (REC Việt Nam) còn choáng hơn. Bởi trong thực tế REC Việt Nam chỉ là công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề với trình độ Sơ cấp nghề, quy mô tuyển sinh 320 HV/năm cho 8 nghề. Tuy nhiên, REC Việt Nam đã ký kết thỏa thuận liên kết trái phép với AIBA Úc University of Greenwich, vương quốc Anh và University of Wolverhamton, vương quốc Anh, đào tạo cử nhân, thạc sĩ tại Việt Nam. ERC Việt Nam đã tuyển 365 HV (kể cả 139 HV đang bồi dưỡng ngoại ngữ tạo nguồn). Trong đó, chương trình thạc sỹ Quản trị kinh doanh liên kết với AIBA tuyển 68 HV; chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh, cử nhân Quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng và du lịch, cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính liên kết với trường University of Greenwich, vương quốc Anh tuyển 140 HV; chương trình thạc sỹ Quản trị kinh doanh liên kết với University of Wolverhamton, vương quốc Anh tuyển 18 HV. 

Riêng ILA Việt Nam dù chỉ được phép đào tạo nghề ngắn hạn. Nhưng thông qua việc liên kết trái phép với Martin College (Úc). ILA Việt Nam đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo chương trình CĐ quản lý của Martin College. Từ năm 2008 đến nay, ILA Việt Nam đã tuyển sinh tổng cộng 240 HV, đến tháng 3/2011 còn 23 HV theo học. Hiện 212 HV đã tốt nghiệp được Martin College cấp bằng cao đẳng còn 23 HV đang theo học tại ILA Việt Nam theo chương trình này.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, số lượng HV của 4 đơn vị liên kết đào tạo trên được cấp bằng lên tới con số trên 700 người. Tuy nhiên, khẳng định của Bộ GD-ĐT khi đưa ra văn bản xử phạt với 4 đơn vị trên thì những văn bằng và chứng chỉ trên là hoàn toàn không có giá trị vì các đơn vị đã đào tạo sai chức năng và nhiệm vụ mà họ được Bộ GD-ĐT cho phép

* Bộ GD-ĐT “trảm”, các trường khắc phục hậu quả

Sai phạm của 4 đơn vị trên thì đã rõ. Quyết định xử phạt của Bộ GD-ĐT cũng đã được đưa ra khi Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng đã ký quyết định xử phạt hành chính sau khi có kết luận thanh tra về một số sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo của 3 công ty ERC Việt Nam, RAFFLES Việt Nam và ILA Việt Nam. Cùng với đó, các công ty này còn phải dừng các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép các trình độ đã ký kết với đối tác nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, trả lại kinh phí cho người học, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giải quyết hậu quả. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các công ty này phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Nếu cố tình không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành. 

Hậu quả đang được khắc phục, nhưng những hệ lụy mà người học và các HV của các khóa học chiêu sinh “chui” sẽ được giải quyết ra sao là điều mà HV, phụ huynh và cả Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm. Tại buổi làm việc với phụ huynh và HV, ban giám đốc Raffles vừa chính thức đưa ra hướng giải quyết. Theo đó, nếu HV có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện đầu vào, HV đang học dang dở chương trình sẽ được Raffles VN chuyển tiếp chương trình học vào một trường thuộc hệ thống Raffles ở Úc, Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, vì mức học phí ở các nước này cao gấp 2-3 lần VN và để HV không phải đóng thêm học phí, phía Raffles VN sẽ lo phần chênh lệch. Do đó, để tiếp tục hoàn thành khóa học, các HV đồng ý qua học ở 3 quốc gia nói trên sẽ phải tự lo các chi phí khác trong quá trình học tập. Nếu không qua học chuyển tiếp ở 3 quốc gia nói trên, HV có thể chuyển sang học tại Raffles Phnom Penh (Campuchia). Nếu học tại Phnom Penh, toàn bộ chi phí đi lại, visa, ký túc xá, giảng viên và cơ sở đào tạo sẽ được Raffles VN sắp xếp và chi trả. Nếu hai phương án trên vẫn không được phụ huynh đồng ý, chúng tôi sẽ hoàn trả lại học phí trên cơ sở trao đổi và tính toán giữa hai bên.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Ngọc Loan, phụ huynh của em Trần Chí Dũng - lớp quản lý khách sạn và nhà hàng bức xúc: Raffles đưa ra hướng giải quyết như vậy là quá bất hợp lý. Để cho con theo học trọn vẹn khóa học gia đình tôi đã phải chạy vạy trên 7.000 USD để cháu theo học toàn bộ khóa học. Nay trường kêu đưa con tôi qua nước ngoài học, tiền đâu mà chúng tôi lo chi phí ăn ở cho cháu bên đó. Chuyện học ở Phnom Penh càng không khả thi, bởi ai cũng hiểu giáo dục Việt Nam trên hẳn một bậc so với bên đó. Tôi thấy, để khắc phục kiểu làm ăn chụp giựt, Raffles buộc phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho chúng tôi, chứ không thể hoàn trả chi phí kiểu tính toán theo thời điểm và trừ đi những chi phí đã đào tạo như đề xuất được.

Riêng về phía ILA Việt Nam, hướng giải quyết theo đại diện của ILA là sẽ làm đơn kiến nghị, xin Bộ GD cho các HV được kết thúc nốt khóa học hiện nay (3-2012) để ILA chủ động hơn trong hướng khắc phục hậu quả. Bởi theo ILA chương trình liên kết đào tạo trái phép của họ hiện chỉ còn 23 HV đang theo học khóa cuối cùng. Về số lượng HV đã kết thúc khóa học và đã được cấp bằng (không được Bộ GD thừa nhận tại Việt Nam) ILA sẽ có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ số HV này xin việc làm ở các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Với những HV có nhu cầu học tiếp hoặc du học nước ngoài, ILA Việt Nam sẽ có trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ thủ tục cho họ. Phản ứng với hướng xử lý của ILA Việt Nam, bạn Trang Hoàng Phương - HV vẫn đang theo học cho rằng hướng giải quyết này là tương đối ổn nếu được Bộ GD cho phép học hết khóa học trong tình cảnh “đã leo lưng cọp”. Tuy nhiên, điều bạn lo lắng và mong muốn là ILA phải có trách nhiệm với tấm bằng mà họ sẽ cấp cho bạn khi nó không có tác dụng tại Việt Nam. Theo bạn, ILA Việt Nam cần phải có văn bản cam kết, ghi nhớ việc hỗ trợ cho các HV như bạn tìm được việc làm, nếu không sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ chi phí mà HV đã đóng. “Những người rơi vào tình cảnh như chúng tôi chẳng ai dám chắc về tương lai của mình khi tấm bằng vô giá trị. Chúng tôi có thể có việc nhưng cũng có thể mất việc sau đó 6 tháng hay 1 năm. Lúc đó ILA liệu có tiếp tục hỗ trợ chúng tôi kiếm việc nữa không? Chúng tôi mất thời gian, tiền bạc, công sức để giờ vẫn phải lệ thuộc phía họ. Cách tốt nhất là ILA hoàn trả mọi chi phí cho chúng tôi”- bạn Phương chia sẻ.

Với Công ty TNHH nghiên cứu và giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Nhật Hoan - Tổng giám đốc ERC Việt Nam cho biết: Hiện chúng tôi có 365 HV đang theo học tại trường. Sau khi thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ GD, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho HV theo các hướng: Thứ nhất, nếu muốn chuyển tiếp sang học tại Học viện ERC ở Singapore, chúng tôi sẽ hỗ trợ miễn phí toàn bộ thủ tục. Về học phí, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền HV đã đóng ở đây sang trường tại Singapore. Nếu trường bên đó không chấp nhận mức học phí bằng với trường Việt Nam thì HV phải đóng thêm mức chênh lệch cũng như phải chịu toàn bộ chi phí ăn ở đi lại khác. Chúng tôi đang tìm hiểu một số chương trình liên kết khác ở trong nước, nếu muốn, HV có thể học ngay tại VN. Cuối cùng, nếu HV không chấp nhận các phương án trên, chúng tôi sẽ hoàn lại học phí cho HV ở các mức độ khác nhau.

Hướng xử lý trên theo bạn Lê Thị Hảo, HV lớp quản trị Marketing thì chẳng khác nào đánh đố HV. Bởi theo bạn, đâu phải HV nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để du học…bắt buộc. Chính vì thế bạn cho rằng, ERC phải hoàn trả toàn bộ chi phí HV đã đóng mới hợp lý. Từ những hướng xử lý sai phạm của 3 đơn vị trên chúng tôi thấy trong thực tế để đòi lại toàn bộ khoản phí đã đóng trong quá trình học là điều không dễ dàng. Cần làm mọi điều để bảo đảm quyền lợi cho người học.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Vũ Đức Cường, văn phòng luật sư Đức Cường ở Gò Vấp nhận định: Với những vi phạm rõ ràng từ các đơn vị trên, có thể thấy những cam kết ban đầu giữa đơn vị đào tạo và HV ở đây đã không được thực hiện. Đơn vị đào tạo thu học phí (tức đưa ra cam kết với HV), còn HV có trách nhiệm đóng học phí (tức thực hiện nghĩa vụ với bên cam kết). Mặt khác, xét ở góc độ pháp lý, khi các đơn vị giáo dục trên đưa ra một chương trình đào tạo không được cấp phép (không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận), mập mờ về giá trị pháp lý của văn bằng do mình cấp thì có thể bị quy vào tội lợi dụng tín nhiệm, thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là một cơ sở vững chắc để các HV yêu cầu đơn vị thực hiện cam kết với mình hoàn trả lại toàn bộ học phí. Nếu đơn vị ấy không thực hiện (cụ thể là thực hiện theo hướng xử phạt của Bộ GD&ĐT), HV có thể khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.