Tất bật chuẩn bị cho ngày tựu trường

GD&TĐ - Trước thềm năm học 2023 - 2024, các cơ sở GD phổ thông đang rục rịch nâng cấp, tu sửa trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học...

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT Bắc Yên, Sơn La, tập gõ phách trong tiết Âm nhạc.
Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT Bắc Yên, Sơn La, tập gõ phách trong tiết Âm nhạc.

Chạy đua với thời gian

Tại Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT Bắc Yên (Bắc Yên, Sơn La), thầy Phó Hiệu trưởng Bạc Văn Ân trao đổi: Để đón học sinh nội trú tựu trường, chúng tôi đang khẩn trương sửa sang trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất. Giáo viên dọn dẹp sân vườn, nhổ cỏ, trồng cây, sơn trát các bức tường cũ, dọn dẹp vệ sinh phòng học và khu nội trú. Nhà trường cũng sửa chữa các thiết bị hỏng, đặc biệt lưu ý vệ sinh khu vực bếp ăn, lựa chọn các nguồn cung thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với chú trọng công tác sửa sang trường lớp, việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho lớp 8, lớp 11 theo Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 được Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT Bắc Yên lưu tâm. Theo thầy Ân, với đặc thù trường liên cấp 2 và 3, việc chuẩn bị cho lớp 8 và lớp 11 có nhiều điểm thuận lợi do nhà trường có thể tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị học theo chương trình mới của cấp THCS và lớp 10 THPT để giảng dạy.

Là năm thứ 2 triển khai CT GDPT 2018, cô Phạm Ngọc Quá, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) nhìn nhận việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho khối 11 có nhiều thuận lợi do được “thừa kế” từ khối 10. Nhà trường đảm bảo đủ số phòng học để học 2 buổi/ngày, phòng bộ môn được đầu tư tivi, máy chiếu...

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đầu tư khu sân chơi, thể dục thể thao; phòng hỗ trợ học tập như thư viện, phòng tư vấn học đường... để tăng trải nghiệm của học sinh khi học tập tại trường. “Nhà trường đã đầu tư xây dựng sân bóng nhân tạo, nằm ở phía sau dãy nhà học chính, để học sinh có thể học thể dục hoặc chơi thể thao sau giờ học căng thẳng. Sang năm học mới, học sinh đã có thêm chỗ vui chơi trong trường, phụ huynh cũng yên tâm hơn khi gửi gắm con học tại trường”, cô Quá bày tỏ.

Tại Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tiên Lữ, Hưng Yên), cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 với lớp 1, lớp 2 và lớp 3 đến nay cơ bản thuận lợi. Chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh đã tạo được những bước chuyển biến tương đối rõ nét. Về phần cơ sở vật chất được củng cố trong 3 năm học vừa qua, tạo tiền đề cho khối 4.

Hiện trường có 10 phòng học và phòng bộ môn được trang bị máy chiếu, 2 phòng học được đầu tư tivi. Với môn Tin học triển khai từ lớp 3, trường có một phòng Tin gồm 34 máy tính được kết nối Internet. Phòng Ngoại ngữ có bảng tương tác, máy chiếu, các thiết bị hỗ trợ tương tác nhằm đáp ứng việc triển khai dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo CT GDPT 2018 đạt hiệu quả.

Tiết học của thầy trò Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên.
Tiết học của thầy trò Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên.

Theo cô Nguyệt, do nội dung khoa học đối với các môn trong CT GDPT 2018 không có sự thay đổi quá nhiều so với CT GDPT 2006 nên nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã có. Giáo viên có thể thay đổi phương pháp và cách thức khai thác sử dụng theo yêu cầu mới nhằm giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả, giáo viên phát huy tính sáng tạo trong dạy và học.

Khả năng sáng tạo của giáo viên

“Hưng Đạo là xã sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, các nguồn thu hàng năm không nhiều. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục chỉ đảm bảo ở mức đáp ứng yêu cầu tối thiểu”, cô Nguyệt chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, cô Nguyễn Thị Nguyệt nhìn nhận khó khăn khi bước vào triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở năm học tới. Một số điều kiện về phòng học, trang thiết bị học tập chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn hoặc còn thiếu. Đơn cử, năm học vừa qua, nhà trường chưa có phòng học môn Khoa học – công nghệ, phòng đa chức năng...

Còn tại Trường THPT Quang Trung, cô Quá cho biết nhà trường đang tăng cường rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị hỏng hóc, có dấu hiệu xuống cấp hoặc còn thiếu... để sửa chữa, gia cố. Tuy nhiên, trường đang thiếu một số thiết bị giáo dục cho việc thực hiện CT GDPT 2018 và tiến hành mua bổ sung.

Bước vào năm học mới, giáo viên nhà trường sẽ tận dụng tối đa thiết bị dạy học hiện có, thiết bị nào chưa được bổ sung có thể sử dụng thiết bị cũ như tranh, sơ đồ, biểu đồ, thiết bị thí nghiệm... Giáo viên cũng được khuyến khích sử dụng video, thí nghiệm ảo, công nghệ thông tin để mô phỏng cho học sinh và giúp bài giảng phong phú, sáng tạo.

Là ngôi trường vùng cao, với học sinh hầu hết là người dân tộc thiểu số, cô Lương Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang), cho biết: Trường hiện có 16 phòng học, tương ứng với 16 lớp. Trang thiết bị dạy học được Sở GD&ĐT cấp phát từ năm học trước vẫn đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Năm học tới, nhà trường còn thiếu một số thiết bị dạy học, máy tính phục vụ môn Tin học đã cũ, chậm.

Theo nữ hiệu trưởng, nhà trường khuyến khích, động viên giáo viên tăng cường sáng tạo thiết bị bổ trợ, dạy học mô phỏng, sử dụng vật liệu tái chế... để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Điều này cũng giúp giáo viên phát huy năng lực, trách nhiệm trong đổi mới, sáng tạo công tác dạy và học. Nhà trường cũng kêu gọi xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực để mua sắm thêm thiết bị phục vụ dạy học, trang bị đồ dùng cho học sinh đầy đủ hơn.

Chia sẻ những khó khăn trên là ‘bài toán’ chung của ngành Giáo dục, cô Ngọc tin tưởng việc triển khai chương trình mới với khối 11 sẽ vượt qua trở ngại, tiếp tục phát huy hiệu quả dạy và học. Niềm tin này đến từ ghi nhận của ban giám hiệu sau một năm triển khai lớp 10, giáo viên đã thành thạo, tự tin hơn. Thầy cô cũng có sự điều chỉnh bài dạy cho năm học mới để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Về tài nguyên sách giáo khoa, trong thời gian nghỉ hè, nhân viên thư viện đã kiểm tra, bọc, dán lại số sách có sẵn và báo cáo số lượng thừa thiếu cho ban giám hiệu. Trước khi vào năm học mới, nhà trường sẽ được bổ sung 10% sách giáo khoa thay những bộ sách bị hư hỏng dành cho học sinh ở tất cả các khối. Nhờ vậy, học sinh nhà trường không vấp phải vấn đề thiếu sách giáo khoa. - Thầy Bạc Văn Ân (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT Bắc Yên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ