Tập trường ca khắc họa hiện thực khó khăn về dịch Covid-19

GD&TĐ - “Hồi sinh” là tựa đề ý nghĩa mà nhà thơ Lữ Mai dùng để đặt cho tập trường ca vừa ra mắt bạn đọc của mình.

Tập “Hồi sinh” của nhà thơ Lữ Mai.
Tập “Hồi sinh” của nhà thơ Lữ Mai.

Không chỉ khắc họa hiện thực đời sống bộn bề khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 bùng phát, tập trường ca mong muốn lan tỏa tinh thần sẻ chia, nhân ái, nghị lực sống và hy vọng đến toàn xã hội.

Hiện thực bộn bề, đầy khó khăn

Bằng ngôn ngữ thơ ca giàu cảm xúc, trường ca “Hồi sinh” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà thơ Lữ Mai tái hiện nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh người đọc. Đặc biệt là trong bối cảnh, thời điểm toàn xã hội đoàn kết, quyết tâm, chung sức đồng lòng để phòng, chống dịch Covid-19.

Sau “Ngang qua bình minh” và “Chư Tan Kra mây trắng”, “Hồi sinh” là tập trường ca thứ ba của nhà thơ Lữ Mai. Trường ca có dung lượng 156 trang, chia thành 8 chương.

Nguồn cảm hứng để Lữ Mai sáng tác trường ca này chính là hiện thực đời sống bộn bề với đầy những khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tác giả đã tích lũy sự quan sát, suy ngẫm và sáng tạo trong khoảng hơn một năm để hoàn thành bản thảo và in ấn tập sách.

Điều đặc biệt là một số trích đoạn trong bản thảo trường ca “Hồi sinh” khi tác giả gửi tham dự các cuộc thi thơ đã đoạt nhiều giải thưởng. Cụ thể, chùm tác phẩm “Trong chuỗi ngày Sài Gòn”, “Tiếng Saxophone đêm tháng Bảy” đoạt giải Ba cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021.

Chùm tác phẩm “Hồi hương”, “Thư gửi mẹ từ chốt trực” và “Hồi sinh” đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp Kênh VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam và Quán Chiêu Văn tổ chức.

Bằng ngôn ngữ thơ ca giàu cảm xúc, trường ca “Hồi sinh” tái hiện nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh người đọc trong bối cảnh toàn xã hội gồng mình chống dịch. Đó là hình ảnh những em nhỏ không được đến trường, việc học hành, vui chơi diễn ra giữa bốn bức tường trống trải.

Bên cạnh đó là hình ảnh đầy xúc động đội ngũ tuyến đầu chống dịch phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cùng người bệnh giành giật từng hơi thở, sự sống. Giai điệu đêm tháng bảy cất lên từ khoảng sân bệnh viện mà các nghệ sĩ mang đến đã xoa dịu nhiều đau đớn, mất mát…

Đó còn là nỗi ám ảnh của những cuộc hồi hương với đoàn người nối nhau rời phố thị, hương khói tỏa quanh những bàn thờ vọng mà tất cả những người con đang ở tuyến đầu chống dịch không thể về chịu tang cha mẹ. Cuối cùng là tiếng gọi thiết tha của tình người, sự sống, niềm tin cho những ban mai yên bình trở lại.

Mỗi chương được kết nối bằng những khổ thơ viết dạng đồng dao có tên chung là “Đồng dao của giấc mơ”. Nó đã mang đến hình dung về hình ảnh, thanh âm của trẻ con đang vui đùa, nhảy nhót, hồn nhiên bước qua những biến động của cuộc sống.

Ông Bùi Tuấn Minh, đại diện thương hiệu tài trợ in ấn cho tập sách cho biết: “Chúng tôi quyết định đồng hành cùng tác giả vì nhận thấy đây là một tác phẩm văn học có giá trị về cảm xúc, toát lên tinh thần nhân văn, sức sống mãnh liệt của con người trong cơn biến động.

Cùng với đó là việc làm ý nghĩa của tác giả khi quyết định dành phần lớn doanh thu phát hành để ủng hộ trẻ em mồ côi, chịu hậu quả nặng nề do Covid-19. Đây là tình cảm cần được chia sẻ, lan tỏa để góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát”.

Lan tỏa tinh thần sống và hi vọng

Tập trường ca khắc họa hiện thực khó khăn về dịch Covid-19 ảnh 1
Nhà thơ Lữ Mai sinh ra ở vùng Bắc sông Lèn Thanh Hóa - nơi được xem là “cái nôi” của nhiều cây viết trẻ xứ Thanh triển vọng như: An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền...
Lữ Mai là cây bút trẻ xuất hiện sớm khi đang là sinh viên Khoa Viết văn Nguyễn Du với một giọng điệu lạ, khá ấn tượng với độc giả. Bạn đọc biết đến chị từ tập thơ đầu tiên “Giấc” rồi lần lượt các tập “Mở mắt rồi mơ”, “Thời cách ngăn trống rỗng”. Lữ Mai đem đến cho độc giả những sự khác biệt bởi xúc cảm thơ luôn mới, thi tứ lạ và đẹp, ẩn chứa một cá tính khó trộn lẫn.

Với vai trò là MC nhiều năm của “Sân thơ trẻ”, Lữ Mai tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người yêu thơ khắp mọi miền đất nước. Lữ Mai có giọng nói thanh thoát, gương mặt ưa nhìn và đặc biệt là những câu thơ ấn tượng.

Đọc trường ca “Hồi sinh”, người đọc có thể cảm nhận được những run rẩy, rưng rưng của cảm xúc, sự chân thành, ấm áp của tình yêu thương. Có yêu, có thương thì mới thấm thía những đau đớn, xót xa trong nghịch cảnh của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Nhưng đúng như tên gọi, “Hồi sinh” của Lữ Mai không chìm đắm trong u uất, bi lụy. Vượt thoát lên trên tất cả, chị gửi đi thông điệp về lòng nhân ái, sẻ chia, cống hiến thái độ sống tích cực, khát vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động khi chào đón đứa con tinh thần, là tập trường ca thứ ba. Ngoài cảm xúc, ám ảnh về thời Covid-19, tập sách được ấp ủ, ra đời bằng chính niềm thương xót và dằn vặt của tôi trước thực tế, hậu quả mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho cuộc sống, con người, để lại những dư chấn khủng khiếp.

Điều khiến tôi cảm thấy dằn vặt nhất là bản thân mình chưa làm được điều gì đáng kể để sẻ chia nhiều hơn, theo những gì tôi mong muốn với tuyến đầu chống dịch, với mọi người, đặc biệt là trẻ em. Đó cũng là lý do tôi viết nên những trang viết mang đậm tinh thần tưởng nhớ, tưởng niệm, sẻ chia để tiếp tục lan tỏa tinh thần sống và hy vọng”.

Cũng theo nhà thơ Lữ Mai, bắt nguồn từ niềm trăn trở ấy, chị quyết định trích một phần doanh thu phát hành ủng hộ các trường hợp trẻ em mồ côi, chịu hậu quả nặng nề do Covid-19. Đồng thời trích một phần cho các hoàn cảnh trẻ em khó khăn thông qua tổ chức Vicaris.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ