Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng vùng giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi

Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng vùng giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi

(GD&TĐ) - Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, nhiều chính sách về GD&ĐT vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được ban hành, tạo điều kiện để giáo dục phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.

Các chính sách về giáo dục tập trung vào việc phát triển mạng lưới trường lớp, chính sách đối với trẻ em, học sinh (HS), sinh viên (SV) DTTS, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) công tác tại vùng DTTS và miền núi.

Nhân dịp năm học mới 2013-2014 Báo Giáo dục& Thời đại đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa xung quanh vấn đề  phát triển giáo dục dân tộc.

PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về hệ thống trường lớp, cơ sở giáo dục của vùng miền núi, vùng dân tộc hiện nay?

-  Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Hiện nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi ngày càng được củng cố và phát triển. Phần lớn thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã có trường, lớp mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường THCS; các huyện đã có trường THPT; nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
 

Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và trường dự bị đại học (DBĐH) cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các địa phương vùng DTTS, vùng miền núi. 

Đến năm học 2012-2013 đã có 300 trường PTDTNT ở 50 tỉnh, thành phố, trong đó, 3 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, 50 trường cấp tỉnh, 247 trường cấp huyện; 569 trường PTDTBT, trong đó 157 trường PTDTBT cấp tiểu học và 412 trường PTDTBT cấp THCS; 5 trường DBĐH và 4 khoa dự bị thuộc 4 trường ĐH với quy mô hơn 3000 HS/năm.

Có thể nói, cơ sở vật chất trường lớp, các cấp học đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cơ bản đảm bảo các điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ HS đến trường tăng, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ HS tốt nghiệp tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường DBĐH) ngày càng phát huy vai trò tích cực trong việc duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GDTHCS, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi. 

Tuy nhiên, quy mô trường PTDTNT phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của trường PTDTNT. 

- Chính sách đối với người học, nhà giáo và CBQLGD ở những vùng này đã được quan tâm như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn đã quan tâm đến nhiều mặt và nhiều đối tượng (trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên,...). Ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn, các tổ chức, cá nhân đều ưu tiên cho GD&ĐT vùng DTTS, vùng miền núi,...

Trẻ em mẫu giáo ở miền núi, vùng DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các em HS DTTS có chữ viết được học tiếng dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trẻ em 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ  5 tuổi. Trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Niềm vui ngày khai giảng
Rạng ngời ngày khai giảng

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách cử tuyển đã góp phần nâng cao cơ hội học tập và tạo động lực vươn lên cho HS vùng DTTS, vùng miền núi, đào tạo được đội ngũ trí thức dân tộc, tăng cường số lượng cán bộ có trình độ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương vùng DTTS, vùng miền núi .

Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ưu tiên tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ đối với công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người DTTS (thuộc nhóm ưu tiên 1); thí sinh là người dân tộc rất ít người và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ.

Ngoài ra, HS vùng miền núi, vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp xã hội; được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập. HS THPT là người DTTS ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn nhà ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở. Trẻ em, HSSV 9 dân tộc rất ít người tùy từng đối tượng được hưởng chính sách đặc thù theo Quyết định số 2123/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

HS trường PTDTNT, trường DBĐH được nhà nước nuôi dạy và học tập tại trường được hưởng học bổng chính sách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. HS trường PTDTBT và trường DBĐH còn được hưởng chính sách ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BGDĐT-BTC. HS bán trú cấp TH, THCS được hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở theo quy định tại Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Đối với nhà giáo và CBQLGD vùng KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ 

Ngày 23/2/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, điều chỉnh về thời gian được hưởng phụ cấp thu hút, trợ cấp chuyển vùng và trợ cấp lần đầu đã động viên, khuyến khích các nhà giáo và CBQLGD công tác nhiều năm ở vùng miền núi, vùng DTTS.

Các địa phương đã thực hiện các chính sách đối với người học là người DTTS nhìn chung đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả trong việc khuyến khích học sinh học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như mức hỗ trợ cho HS, SV người DTTS theo các chính sách đã ban hành còn thấp so với nhu cầu thực tế của các em; còn có sự bất bình đẳng về chính sách đối với HSSV: HS DTTS học theo diện cử tuyển được hưởng chính sách học bổng, còn HS DTTS thi đỗ và đang học tại các trường ĐH, CĐ lại chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí học tập; vẫn còn 7 dân tộc rất ít người chưa được hưởng các chính sách đặc thù. Chính sách cử tuyển bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đối tượng viên chức ở các trường PTDTNT không thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn chưa được hưởng các chính sách đặc thù.

-PV: Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có những giải pháp gì để từng bước rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền, thực hiện công bằng trong giáo dục, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, chỉ đạo phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng DTTS. Rà soát các chính sách phát triển GD&ĐT vùng DTTS, miền núi, từ đó phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách phát triển GDĐT vùng DTTS, miền núi giai đoạn mới.

Chỉ đạo phát triển mạng lưới trường, lớp vùng DTTS, vùng miền núi; mở rộng đào tạo liên cấp THCS, THPT ở các trường PTDTNT cấp huyện ở các địa phương có nhu cầu; phát triển các trường PTDTBT theo quy hoạch, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu học tập của HS các DTTS. Nâng cao chất lượng GD&ĐT trong các trường PTDTNT, PTDTBT; bảo đảm chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và CBQLGD; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với đối tượng học sinh DTTS, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học để nâng cao chất lượng GD&ĐT ở vùng DTTS, vùng miền núi...

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở miền núi, vùng DTTS; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, nhà giáo và CBQLCSGD công tác ở vùng DTTS, miền núi.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hiêu Nguyễn (thực hiện)

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.