Tập trung bù đắp kiến thức cho học sinh khi trở lại học trực tiếp

GD&TĐ - Ngay khi trở lại trường học trực tiếp, học sinh học lực yếu, không theo kịp bài trong quá trình học online đang được các trường ở Đồng bằng sông Cửu Long tập trung bù đắp kiến thức.

Các trường tiểu học tận dụng thời gian học trực tiếp để bù đắp kiến thức cho học sinh lớp 1.
Các trường tiểu học tận dụng thời gian học trực tiếp để bù đắp kiến thức cho học sinh lớp 1.

Vừa củng cố kiến thức, vừa hỗ trợ tâm lý

Khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch được các trường ở TP Cần Thơ đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là nỗ lực củng cố kiến thức, hỗ trợ tâm lý học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến. Trường THPT Phan Ngọc Hiển, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành Giáo dục thành phố; trang bị đường truyền Internet tốc độ cao và các phương tiện ghi hình, ghi âm… để thực hiện việc dạy học song song hai hình thức. Đồng thời  nhà trường dành quỹ thời gian nhất định để củng cố, ôn tập lại kiến thức cho học sinh.

Ở Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều), các tổ trưởng chuyên môn phân công cụ thể giáo viên trong tổ thực hiện tiết dạy giáo án điện tử, ghi lại tiết dạy trên phần mềm Zoom hoặc Google Meet và xuất file mp4. Thầy cô cũng có thể thực hiện file Power Point và thực hiện ghi âm trên các slide gửi lên nhóm lớp đồng thời gửi kèm file Word. Học sinh không tham gia học trực tiếp do phải cách ly y tế, có thể xem và học tập, đảm bảo được nội dung kiến thức bài giảng từng môn của từng buổi.

Đối với bậc mầm non, ngành Giáo dục TP Cần Thơ  đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch chương trình phù hợp với thực tế; Đồng thời chú ý với các trẻ em lớp Lá (lớp 5 tuổi) chuẩn bị một số kỹ năng cũng như tâm thế sẵn sàng vào lớp 1.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GD&ĐT, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, cũng như chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục thành phố chỉ đạo các trường quan tâm, tìm hiểu, tư vấn, hỗ trợ tâm lý và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức phù hợp với từng đối tượng; tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ theo quy định; tập trung dạy học các môn học/hoạt động giáo dục theo các nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình…

Hiện các trường ở TP Cần Thơ, đặc biệt là trường tiểu học đang bù đắp kiến thức cho học sinh lớp 1. Gần một học kỳ phải học online nên nhiều em tiếp thu bài chậm, gia đình không có điều kiện hỗ trợ học tập nên có em khi vào học trực tiếp chưa biết mặt chữ. Trong khi đó kỳ thi học kỳ 1 sắp tới, học sinh học lớp 1 chưa viết được tên nên giáo viên, phụ huynh khá lo lắng.

Hướng dẫn học sinh ôn tập, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời.
Hướng dẫn học sinh ôn tập, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời.

Tập trung phụ đạo

Tranh thủ “thời gian vàng” học sinh đến trường học trực tiếp, các địa phương tiến hành rà soát tiến độ, chất lượng dạy và học để có phương án bù đắp kiến thức cho học sinh, đặc biệt là các em học lực yếu.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh chú trọng hoạt động giảng dạy đối với học sinh các khối lớp đang học chương trình sách giáo khoa mới, các khối lớp đầu cấp và khối lớp 9, 12. Nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo trong quá trình xếp thời khóa biểu từng môn đảm bảo tính khoa học, hợp lý.

Để giảm áp lực cho học sinh khi tiếp thu bài từ 2 hình thức (trực tuyến và trực tiếp), nhà trường duy trì số lượng các tiết dạy, thời gian kết thúc mỗi tiết học, học sinh có thời gian nghỉ ngơi. Thời gian dạy và học được chia thành các buổi, mỗi buổi học sinh chỉ học 3 tiết.

Hoạt động kiểm tra chất lượng môn học cũng được giới hạn theo chương trình, trang bị các kiến thức căn bản, nâng cao phù hợp với quá trình dạy và học từng môn học. Sau kiểm tra chất lượng học kỳ 1, các trường đã phân tích các kết quả học tập, chất lượng của từng môn học, có hướng dẫn chi tiết và kế hoạch bồi dưỡng đối với học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập theo yêu cầu.

Cô Đàm Thị Xuân Uyên, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết: “Học sinh học lực yếu, không theo kịp chương trình hiện không nhiều. Khi học trực tiếp, giáo viên tăng thời lượng hướng dẫn học sinh ôn tập, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời.

Nhà trường đang tổ chức phụ đạo cho các em, có thể dạy vào những ngày ít tiết hoặc trái buổi. Nỗ lực của nhà trường, mỗi giáo viên là giúp học sinh lấy lại căn bản, sớm nắm kiến thức nền để có thể tiếp thu bài tốt trong thời gian tới. Việc phụ đạo cũng được triển khai nhẹ nhàng, không nóng vội để các em ổn định, yên tâm học tập”.

Trao đổi về công tác bù đắp kiến thức cho học sinh, theo thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh), tuy có chút vất vả nhưng thầy cùng nhiều giáo viên khác nỗ lực hỗ trợ học sinh yếu, học sinh không theo kịp bài. “Các em ở nhà suốt mấy tháng trời, phải học online nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận kiến thức.

Do đó ngay khi học trực tiếp, bên cạnh dạy học chính khóa thì trường tổ chức phụ đạo trái buổi, giúp các em sớm lấy lại kiến thức, yên tâm học tập. Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, nhà trường cũng nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em”, thầy Sa Quên chia sẻ.

“Cô giáo cho hay sắp tới sẽ kiểm tra học kỳ 1, tuy nhiên có một số em chưa viết được tên nên phụ huynh phải quan tâm hỗ trợ cùng nhà trường. Mỗi buổi chiều, cô giáo dành thời gian từ 17 giờ đến 18 giờ chiều để hỗ trợ, giúp các em nhanh chóng bắt nhịp việc đọc, viết”, chị Ngô Thị Hạnh, phụ huynh ngụ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.