Chủ động bồi dưỡng sớm
Một số tỉnh như Ninh Bình, Nghệ An đã tổ chức cho GV tìm hiểu chương trình mới từ sớm và bồi dưỡng nhiều lần. Hay như Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) còn lên kế hoạch và tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực... theo tinh thần của chương trình mới.
Ông Nông Trọng Trình – Trưởng phòng GD Mầm non & Tiểu học (Sở GD&ĐT Cao Bằng) cho biết: Ngành Giáo dục Cao Bằng tiến hành tập huấn cho GV lớp 1 từ ngày 16 - 18/6. Những người đảm nhiệm tập huấn là các chuyên gia viết sách, chủ biên các bộ SGK đến từ 2 NXB có sách được chọn (NXB Giáo dục Việt Nam; NXB Sư phạm TPHCM).
“Đợt tập huấn này dành cho hơn 1.000 GV cốt cán đảm nhiệm dạy học cho hơn 10.000 HS bước vào lớp 1 năm học tới tại Cao Bằng. Đây được nhìn nhận như tập huấn lần “chót” để GV dạy lớp 1 bước vào thay sách. Bởi vậy, chúng tôi xác định mỗi GV phải tập trung cao độ, lĩnh hội đầy đủ để bảo đảm yêu cầu dạy học và thay sách thành công” - ông Trình nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Minh Thu – Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) thông tin: Ngành Giáo dục Lào Cai thực hiện bồi dưỡng chương trình môn học cho GV lớp 1 từ khá lâu. Chính vì vậy, lịch tập huấn được chốt từ 10 - 13/6/2020 với các NXB. 400 GV cốt cán sẽ được tập huấn về SGK mới trong dịp này. Tuy nhiên, với Lào Cai đây chưa phải là đợt tập huấn bồi dưỡng cuối cùng trước khi bước vào triển khai thay SGK mới, bởi ngành GD Lào Cai sẽ tiếp tục bồi dưỡng trực tuyến cho đội ngũ GV, mặt khác tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên môn để “GV vỡ vạc hoàn toàn, tháo gỡ mọi vướng mắc trước khi bước vào năm học mới” – bà Thu khẳng định.
Tại Ninh Bình, ngành GD-ĐT bên cạnh phối hợp với Viettel tỉnh cung cấp tài khoản bồi dưỡng cho khoảng 800 GV dạy lớp 1 để kịp tiến độ bồi dưỡng kết thúc trước 30/7; liên lạc, sắp xếp lịch, mời tác giả biên soạn SGK từ các NXB có SGK được chọn bồi dưỡng cho GV lớp 1 theo kế hoạch. Để tập huấn hiệu quả, ngành GD đã chia thành 2 - 3 lớp và dự kiến tiến hành tập huấn trong 2 - 3 ngày.
Tăng cường trách nhiệm của NXB
Tại Lạng Sơn, việc tập huấn sử dụng SGK mới cho GV lớp 1 đã nằm trong lộ trình dự kiến. Theo bà Dương Hồng Minh – Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Lạng Sơn), tập huấn sớm quá sẽ có khó khăn nhất định như chưa có SGK – tài liệu để phát trực tiếp cho GV nghiên cứu. Bản phô-tô SGK dù đầy đủ cũng vẫn hạn chế nhất định về mặt cảm quan, hứng thú, sự thu hút… cho GV trong quá trình tập huấn.
Đối với một số đầu SGK có sự lựa chọn ít (chưa tới 10 trường), theo bà Dương Hồng Minh, các NXB có thể thực hiện tập huấn cho GV bằng phương pháp trực tuyến. Nhưng với những bộ SGK có sự lựa chọn cao từ các trường nhất định phải theo phương thức trực tiếp để mang lại hiệu quả. Bởi khi GV được tiếp cận, trao đổi trực tiếp với chuyên gia, chủ biên SGK về định hướng, phương pháp giảng dạy, đánh giá, kiểm tra… sẽ nhanh chóng nắm bắt và tiếp nhận được yêu cầu đòi hỏi của chương trình và SGK. Quá trình GV được trao đổi theo nhóm cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ thắc mắc… nhanh nhất từ chính đồng nghiệp.
Ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình bày tỏ mong muốn: Việc tập huấn GV lớp 1 sử dụng SGK mới sau chọn SGK là nhiệm vụ của địa phương và đặc biệt của các NXB. Như vậy, sẽ có tình trạng NXB có số lượng sách được các địa phương chọn nhiều phải đảm đương khối lượng công việc lớn cùng lúc. Để bảo đảm đúng thời gian, tiến độ, chất lượng tập huấn… các NXB phải có kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng để địa phương rơi vào “bị động”, sách đã đặt mua nhưng tập huấn thì phải “chạy theo” NXB. Hơn nữa, NXB tiến hành theo phương pháp trực tiếp, tác giả viết sách sẽ thực hiện tập huấn …
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng mong muốn: Bộ GD&ĐT có sự giám sát, chỉ đạo đối với các NXB trong việc cung cấp SGK kịp thời, đúng tiến độ, chất lượng đến địa phương. Đồng thời kết hợp tốt với địa phương trong vấn đề bồi dưỡng GV dạy lớp 1 năm học tới.
Khẳng định về vai trò của Bộ GD&ĐT, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo sát sao 2 vấn đề trên.
Trước hết, sẽ yêu cầu các địa phương và NXB phải làm việc với nhau để xây dựng và tổ chức thực hiện việc tập huấn SGK cho GV lớp 1, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc. 100% GV lớp 1 phải hoàn thành tập huấn trước năm học mới. Và việc cung ứng SGK phải gấp rút thực hiện đến 30/7 và chậm nhất là 15/8…
Cùng đó đốc thúc trách nhiệm của địa phương đối với việc bồi dưỡng GV dạy lớp 1 tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018 qua bồi dưỡng trực tuyến (Viettel đã cấp tài khoản và miễn phí đường truyền cho 100% GV dự kiến dạy lớp 1). Vậy, Sở GD&Đ phải có trách nhiệm kết hợp cùng Viettel địa phương lên kế hoạch chi tiết cấp tài khoản hỗ trợ GV dạy lớp 1, gấp rút hoàn thiện bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018 trước ngày 30/7 bằng hình thức trực tuyến bên cạnh tham gia bồi dưỡng (trực tiếp và trực tuyến) của các NXB…
Bồi dưỡng trực tiếp cần thiết để các thầy cô có thể trao đổi với chuyên gia, chủ biên và đồng nghiệp. Cộng với nghiên cứu trên bộ SGK mới, hiệu quả tập huấn mới cao. Bồi dưỡng trực tuyến dù có diễn ra nhiều lần hiệu quả cũng không thể tốt như bồi dưỡng trực tiếp… - ông Đỗ Văn Thông