Nhiều bê bối
Cái tên Alibaba được biết đến không phải chỉ từ vụ việc nhân viên Nguyễn Huỳnh Tú Trinh của tập đoàn này hô hào, kêu gọi hàng chục người mặc áo “Alibaba” cản trở, chống đối và chỉ đạo Trần Quốc Tĩnh đập phá xe múc, khi bị cưỡng chế khu đất do ông Nguyễn Thái Lực đứng tên tại xã Tóc Tiên (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) vào ngày 13/6.
Trước đó, vào năm 2017, doanh nghiệp này liên tục cho nhân viên phát tờ rơi, biểu quảng cáo dự án, tự xưng là chủ đầu tư và thu tiền giữ chỗ đối với dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3 (TPHCM). Không lâu sau, trong buổi mở bán dự án khu đô thị Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức tại TPHCM, Công ty Alibaba vẫn cho nhân viên phát tờ rơi, biểu quảng cáo dự án Tây Bắc Củ Chi cho khách hàng, bất chấp Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đưa ra cảnh báo và các sở, ngành chức năng của TPHCM khẳng định việc rao bán, nhận tiền giữ chỗ của Công ty Alibaba là trái pháp luật.
Thậm chí, Alibaba còn sử dụng kênh truyền thông nội bộ đăng tải nhiều bài viết một mực khẳng định việc làm của công ty không sai và cho rằng cảnh báo của HoREA và báo chí là “thế lực thù địch” muốn “đập” công ty này.
Quay trở lại vấn đề minh bạch pháp lý trong kinh doanh, đối với dự án Tây Bắc Củ Chi của năm 2017, UBND TPHCM chỉ đạo xác minh và UBND huyện Củ Chi đã báo cáo về vụ việc. Tất cả văn bản đều khẳng định Alibaba không phải là chủ đầu tư và việc thu tiền giữ chỗ của khách hàng là trái pháp luật.
Đối với vụ việc cưỡng chế vừa qua, theo chính quyền thị xã Phú Mỹ, có những khu đất được Alibaba phân phối nằm trong quy hoạch đường cao tốc và một số công trình quan trọng khác. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Alibaba chưa được cấp phép đầu tư bất kỳ một khu dân cư hay khu đô thị nào.
Một người có liên quan đến Alibaba là ông Nguyễn Ngọc Sự đang đứng tên quyền sử dụng khu đất nông nghiệp rộng 24.500m2 ở thôn Tân Tiến thuộc thị xã Phú Mỹ cũng từng nhiều lần bị cơ quan chức năng cưỡng chế xây dựng trái phép.
|
Đòn bẩy tài chính bất thường
Theo một cựu nhân viên của Alibaba, khi ra trường, người này làm việc cho tập đoàn này và được CEO Nguyễn Thái Luyện bổ nhiệm thần tốc lên chức vụ Phó Giám đốc sàn với thời gian làm việc chưa đầy một năm. Lý do người này xin nghỉ vì “khi đi xem dự án nghe người dân nói đất này không phải của Alibaba”.
Cựu nhân viên của Alibaba cung cấp cho Báo GD&TĐ một số giấy tờ nội bộ còn lưu giữ lại, trong đó có báo cáo tài chính quý I/2017 của Alibaba, thời điểm mà doanh nghiệp này làm truyền thông rầm rộ cho kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán UPCom.
Xem xét báo cáo tài chính có được và kết hợp với lời của cựu nhân viên, có thể nhận thấy: Alibaba được thành lập khoảng năm 2016, có ba “thành viên HĐQT” là người cùng một nhà. Cụ thể, ông Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột ông Luyện) làm CEO thời điểm lập báo cáo quý I/2017 và bà Võ Thị Thanh Mai là vợ ông Luyện (theo cựu nhân viên).
Về vốn góp trên báo cáo, ông Luyện chiếm 80% tỉ lệ sở hữu, tương ứng 16 tỉ đồng. Bà Mai và ông Lĩnh mỗi người chiếm 10% tỉ lệ sỡ hữu, tương ứng 2 tỉ đồng/người. Như vậy, tính tới thời điểm lập báo cáo tài chính quý I/2017, Alibaba có số vốn góp là 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, Alibaba công bố vốn thực khoảng 5.600 tỉ đồng, sự tăng trưởng thần tốc về dòng tiền, lên đến 280 lần.
Về chiến lược, trong một clip truyền thông nội bộ trên mạng xã hội, một cán bộ dẫn chương trình của Alibaba mạnh dạn tuyên bố “trên trời”: “Đến năm 2023, chúng tôi sẽ đóng góp 20% vào ngân sách Nhà nước, tức 284.000 tỉ đồng, gấp 16 lần ngân sách đầu tư tuyến metro số 1”.
Không chỉ khuất tất về dòng tiền, Alibaba còn dùng chính sách nâng mức chi trả cho khách hàng khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư đất nền (chưa chắc có sản phẩm cụ thể) với lãi suất cao ngất, lên đến 48%. Ngoài ra, Alibaba đưa thêm các quyền chọn vô cùng hấp dẫn như thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng trên tổng số tiền thực đóng trong thời hạn một năm, mua lại sản phẩm với mức chênh lệch đến 38% sau 12 tháng, mua lại chênh lệch 30%/15 tháng. Rất nhiều người vì lợi ích trước mắt, không đề phòng rủi ro nên lao vào.
Rủi ro như thế nào?
Phân tích cách làm của Alibaba, ông Phan Dũng Khánh (chuyên gia tài chính -chứng khoán) cho rằng,
Alibaba đang “chơi trò” Ponzi (vay tiền của người này để trả nợ người khác) rất nguy hiểm. Không loại trừ khả năng Alibaba đem bán, thu tiền của khách hàng từ dự án chưa triển khai hoặc chưa có sản phẩm (nền đất pháp lý thật) rồi dùng chính sách lợi nhuận lôi kéo người mua sau bỏ tiền vào...
Trò Ponzi về nguyên tắc không thể kéo dài mãi vì lượng tiền và giá trị sinh lời có giới hạn, khi giới hạn này mất đi, đổ bể xảy ra và kẻ chủ mưu đào thoát, để lại thiệt hại khổng lồ. Đây là lý do mà ông Khánh đề nghị cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc nhằm chặn đứng các hoạt động kinh doanh bất thường như kiểu Alibaba.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc (Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN), khi Alibaba triển khai dự án, họ không nhân danh chính chủ đầu tư, cũng không phải nhà môi giới, mà nhận ủy quyền thực hiện từ cá nhân là chủ đất. Vai trò của Alibaba cũng không phải là nhà phát triển bất động sản, cũng không phải nhà môi giới mà ở đây là vai trò ủy quyền (ủy quyền dân sự) để được kinh doanh. Nhận định của luật sư Lộc khá khớp với lời kể của cựu nhân viên Alibaba, khi người này cũng khẳng định tập đoàn có thoả thuận với cá nhân là chủ đất để rao bán dự án.
Đã đến lúc cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra toàn diện Alibaba để làm rõ các nguồn thu từ kinh doanh đất đai có hợp pháp hay không? Có thực hiện nghĩa vụ tài chính? Chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động có đúng quy định pháp luật? Có triển khai mô hình kinh doanh đa cấp bất chính núp bóng huy động vốn thông qua hợp đồng góp vốn đầu tư dự án bất động sản ảo?...