- Mới đây, Bộ GD&ĐT đề xuất không ghi xếp loại tốt nghiệp và không ghi hình thức đào tạo chính quy hay tại chức vào văn bằng đại học. Vậy quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
- Việc không ghi xếp loại và hình thức đào tạo trên văn bằng đại học không phải là xóa toàn bộ ranh giới của các hình thức, kết quả đào tạo. Bởi đi kèm theo văn bằng thường có hồ sơ đào tạo. Ở nước ngoài, người ta gọi là phụ lục văn bằng, còn chúng ta thì có bảng điểm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: TG |
Với quá trình đào tạo như vậy, khi chúng ta xem xét, đánh giá kết quả học tập của sinh viên thường nhìn vào tổng thể quá trình học tập của sinh viên đó. Thứ nhất là văn bằng được cấp; thứ hai là phụ lục hoặc là hồ sơ đào tạo. Từ đó có thể đánh giá kết quả học tập của sinh viên đạt đến đâu.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới không ghi hình thức đào tạo, không ghi xếp loại học lực trên văn bằng đại học. Họ muốn tạo sự bình đẳng giữa các loại hình đào tạo trên cùng một văn bằng của cùng một đơn vị giáo dục đào tạo công nhận. Về mặt luật pháp đã quy định, dù đào tạo ở hình thức nào, đào tạo chính quy hay tại chức hoặc đào tạo từ xa đều phải đạt chuẩn chung theo quy định. Khi đạt chuẩn chung rồi sẽ cùng được cấp một văn bằng chung.
- Thực tế, có ít người tài năng của Việt Nam trở về phục vụ cho đất nước. Theo đại biểu, chúng ta có nên có những chính sách thu hút họ về Việt Nam hay không?
- Chúng ta rất tiếc khi những tài năng của Việt Nam không quay trở lại làm việc cho đất nước. Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì phải lo nghĩ nhiều. Bởi thực tế, có rất nhiều nhân tài, họ là những nhà khoa học, nhân sĩ, tri thức, doanh nhân... sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, đều mong muốn quay trở lại để cống hiến, đóng góp cho Tổ quốc.
Tôi cho rằng, sớm hay muộn, tất cả những người Việt Nam có tâm huyết, ý thức dân tộc đều muốn đóng góp cho quê hương, đất nước. Có thể đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau và cho dù họ ở bất cứ đâu (định cư ở nước ngoài hay trong nước), đều có thể đóng góp cho đất nước.
Vì thế tôi cho rằng, đây không phải là điều mà chúng ta quá bận tâm. Tất nhiên, cũng cần có chính sách thu hút người tài về nước để họ có thể làm việc trực tiếp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước. Đây cũng là điều mà chúng ta mong muốn hơn cả.
Trong thời đại công nghệ số, việc ghi trên văn bằng và hồ sơ đào tạo được biểu thị rất rõ. Ảnh: Hữu Cường |
Vấn đề này đã được Quốc hội góp ý rất kỹ khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, với những người được gọi là nhân tài cần có chính sách ưu đãi để tuyển dụng. Chẳng hạn, những người có thành tích, phấn đấu giỏi xuất sắc sẽ được ưu tiên trong tuyển dụng, có thể tuyển thẳng, có thể không qua thi tuyển hoặc thi tuyển thì người ta cũng có những ưu tiên nào đó. Đấy là bước đầu ưu tiên để thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi đã là nhân tài, họ không quan trọng lắm những vấn đề nêu trên. Điều quan trọng là, họ cần có “đất dụng võ”, cần được ghi nhận xứng đáng trước những đóng góp của mình cho cơ quan, đơn vị, rộng hơn là cho quê hương, đất nước. Thiết nghĩ, những gì thuộc về cống hiến, thuộc về khả năng sáng tạo phải được ghi nhận và đánh giá đúng mức. Nếu đánh giá một cách rõ ràng, minh bạch, ghi nhận xứng đáng những đóng góp của nhân tài mới là cơ sở quan trọng nhất để thu hút họ về nước.
- Xin cảm ơn đại biểu!