Tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).

Tăng thu nhập cho cán bộ cần phải có sự rà soát

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc thí điểm các chính sách về phía quốc gia có những vấn đề lớn mà Quốc hội cần phải thí điểm, cần phải tổ chức và đang được nghiên cứu.

“Xuất phát từ góc độ quốc gia, nếu gắn với địa phương nào mà tạo thêm được động lực, tạo thêm được cơ hội cho các địa phương phát triển thì cũng là một cơ hội để chúng ta thí điểm. Với tinh thần đó hoàn toàn có thể thí điểm các chính sách đặc biệt như là thuế tài sản, thuế nhà ở ở thành phố Hải Phòng chẳng hạn. Hoặc là những thành phố, những địa phương mà chúng ta đang hướng tới xây dựng chính quyền đô thị. Đây là một cơ hội để không chỉ là xuất phát từ phía địa phương mà xuất phát từ góc độ quốc gia” – Đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Đại diện đoàn Đồng Nai cũng có những phát biểu liên quan đến việc thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, hiện nay trong 4 nghị quyết dành cho 4 địa phương thì có Hải Phòng nêu nội dung này.

Cùng với Hải Phòng, trước đó Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho Thành phố  Hồ Chí Minh liên quan đến việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

“Tôi nghĩ đây là việc làm cũng rất chính đáng. Tuy nhiên việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức cần phải có sự rà soát và mang tính phổ quát hơn nữa cho các địa phương khác” – ông An nêu.

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, không phải tự nhiên mà một cán bộ công chức của một tỉnh bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh, ví dụ như Đồng Nai, hoặc Bình Dương lại có thu nhập thấp hơn thành phố bên cạnh mình. Thế rồi cán bộ công chức, viên chức của Hải Phòng tại sao lại thu nhập cao hơn của Hải Dương? Việc này chúng ta cần phải đánh giá thật kỹ.

“Tất nhiên, việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào khả năng của địa phương, nhưng xuất phát từ việc chúng ta dành sự quan tâm cho con người thì ở đây phải đánh giá rộng ra và cần phổ quát hơn cho các địa phương khác, không chỉ cho các địa phương đang làm thí điểm” – đại biểu Trịnh Xuân An nêu.

Tăng thêm cấp phó các sở, ngành

Đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam)
Đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, đất nước muốn phát triển mạnh thì phải có một số địa phương phát triển mạnh, làm đầu tàu để dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển.

“Nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV đã ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nay Quốc hội khóa XV ngay từ đầu nhiệm kỳ đã thảo luận, ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các địa phương nói trên là phù hợp với thực tiễn và đúng chủ trương của Bộ Chính trị đối với các địa phương này” - Đại biểu Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hải Phòng. Ông Dũng không đồng ý với cơ chế này vì thực hiện quy chế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong thu nhập với các địa phương khác.

“Dẫu biết rằng Quốc hội khóa trước đồng ý với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng  tôi thấy rằng cũng là cán bộ, công chức, viên chức như các địa phương khác nhưng mà địa phương này được mà địa phương khác không được. Nếu cho rằng các địa phương, thành phố có giá cả đắt đỏ thì tôi đề nghị nếu cho các tỉnh, thành phố này được hưởng thì các thành phố trực thuộc tỉnh cũng phải được hưởng cơ chế này. Hoặc nếu cho rằng các thành phố này đông dân, đông đơn vị hành chính khó quản lý và nhằm thu hút nhân tài, thì tôi đề nghị tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cũng phải được hưởng cơ chế này mới đồng bộ” – ông Dũng nói.

Bồ sung một số vấn đề, đại diện đoàn Quảng Nam cho rằng, về cơ chế ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh có số thu hoạt động xuất, nhập khẩu. Đề nghị Quốc hội nên ủng hộ cho các tỉnh này, nhất là Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh lớn có thể để lại 100%. Trong trường hợp không được để lại 100% theo quy định, đề nghị nên bỏ cụm từ là “không quá”. Như vậy, nghị quyết quy định cụ thể là để lại 70% để đầu tư nguồn lực cho các địa phương này phát triển. Tất nhiên có đảm bảo ngân sách trung ương như các đại biểu vừa phát biểu.

Đại biểu Lê Văn Dũng xin được đề nghị thêm một cơ chế cho hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

“Tôi đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu cho tăng thêm cấp phó các sở, ngành cho hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa giống như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Có nghĩa rằng đề nghị Chính phủ sửa tiết c điểm 1 Điều 6 của Nghị định số 107 để tăng thêm cho hai tỉnh này 10 cấp phó sở, ngành so với chỉ tiêu đã được ấn định trong Nghị định 107 để các địa phương này tập trung cho công tác lãnh đạo điều hành và thực hiện cơ chế này. Tất nhiên là không tăng thêm biên chế, chỉ tăng thêm số lượng cấp phó trong biên chế đã được phân bổ” – ông Lê Văn Dũng nhận định.

Đại diện đoàn Quảng Nam lý giải, bởi vì hai tỉnh này dân số đông, diện tích rộng và nhiều đơn vị hành chính so với các địa phương khác trong cả nước. Vì vậy, tăng thêm số lượng cấp phó này rất phù hợp.

Ông Dũng cũng đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu cho phép các tỉnh, thành phố khác có di sản văn hóa thế giới cũng được hưởng như cơ chế về phí tham quan di tích để có nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích, di sản văn hóa thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.