Phong phú góc trải nghiệm
Đạt chuẩn quốc tế, Trường Nguyễn Du Plus, TP Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những trường có quy mô lớn, cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất thành phố nhờ khuôn viên đẹp, đa dạng các mô hình trải nghiệm ngoài trời như: Bể bơi, bể nhân tạo bắt cá, sân bóng đá mini, vườn cây xanh, xích đu, cầu trượt, nhà ống, đồi núi, xe đạp, mô hình các loài vật, trò chơi dân gian, góc khám phá khoa học… Ngoài ra, mỗi tháng, các bé còn được tham gia các hoạt động giải trí, văn nghệ, trò chơi dân gian hay giao lưu tiếng Anh…
Tuy diện tích còn khiêm tốn, song Trường Mầm non Trí Đức, TP Hà Tĩnh đã biết tận dụng một cách tối ưu không gian đa chức năng trong xây dựng và tổ chức môi trường hoạt động ngoài trời cho trẻ. Gầm cầu thang, hành lang, khoảng trống chuyển tiếp giữa các khu vực chức năng… được cải tạo, trang trí thành vườn treo, góc thư giãn yêu thích của trẻ. Khoảng sân giữa trường như một mô hình kép, vừa tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, vừa là sân chơi để trẻ thỏa thích đi xe đạp, chơi bập bênh, cầu trượt… sau những giờ giải lao.
Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên, TP Hà Tĩnh lại có sáng kiến vận dụng mô hình “Dạy học theo dự án” - trao cho trẻ quyền chủ động và sáng tạo trong mở rộng và khám phá kiến thức. Với mô hình này, cha mẹ trẻ là người đồng hành cùng các con học hỏi, khám phá...
Bà Trần Thị Thủy Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh, cho biết: “Môi trường giáo dục trẻ ngoài trời được các nhà trường, giáo viên quan tâm xây dựng hàng đầu với tính chất mở, sắp xếp các góc chơi hợp lý, bố trí khoảng không gian phù hợp cho trẻ hoạt động. Điển hình như: Trường quốc tế Nguyễn Du Plus, Trường Mầm non Trí Đức, Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên, Trường Mầm non 1, Trường Mầm non Trần Phú… Nhờ vậy mà mỗi giờ lên lớp, trẻ đều rất hứng thú. Những giờ trải nghiệm ngoài trời, chính là xây dựng nên những kỹ năng cần thiết cho trẻ”.
|
Giáo viên đóng vai trò quan trọng
“Để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ, nhiều trường mầm non tại thành phố đã tập trung xây dựng môi trường giáo dục ngoài lớp học an toàn, đẹp, hấp dẫn. Các trường tận dụng diện tích đất trong nhà trường, diện tích sân vườn và diện tích các khu vực bổ trợ cho hoạt động ngoài trời của trẻ” - bà Trần Thị Thủy Nga nói.
Ở góc độ quản lý, bà Nga cũng cho biết, để những yêu cầu về môi trường ngoài lớp học đạt như mong muốn thì cần được các nhà quản lý nghiên cứu, tìm hiểu kỹ như: Bố trí diện tích sân tập thể dục cho trẻ toàn trường và khu chơi thể thao (cột bóng rổ, thang leo, sân chơi bóng đá mini…); khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay, đu bay, bập bênh, nhà bóng…); khu vực trẻ trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối, con vật nuôi; khu chơi với các nhân vật cổ tích, hay còn gọi là “vườn cổ tích”; khu “sân khấu ngoài trời”…
“Đặc biệt, với yếu tố thời tiết khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, các nhà trường cần xác định sân chơi của trẻ rất cần có cây xanh bóng mát, hệ thống mái tôn mái lá góp phần tạo bóng mát cho sân chơi của trẻ nhưng cũng không thể thay thế cho hệ thống cây bóng mát được, việc trồng các cây bóng mát vẫn phải được chú trọng” – bà Nga nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 đưa ra ý kiến, để có một sân chơi ngoài trời đẹp, linh động thì giáo viên đóng vai trò quan trọng. Họ cần thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong lập kế hoạch, thiết kế các nội dung tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trên cơ sở khai thác môi trường có sẵn trong trường mầm non. Ví như, tổ chức các chương trình “Vườn rau sạch”, “Vườn cổ tích”, “Hội chợ mùa xuân”, “Ngày hội trải nghiệm cho bé”… Qua những cuộc chơi này, các bé sẽ được cọ xát thực tế tạo nên tính hứng thú, khám phá trong mỗi đứa trẻ.